Sâu sát, lắng nghe và đồng cảm với bộ đội

16:35, 28/09/2015

Trung đoàn 246, Sư đoàn 346 (Quân khu 1) hàng năm đón nhận và tổ chức huấn luyện chiến sĩ mới thuộc 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên. Trình độ nhận thức của các chiến sĩ mới không đồng đều; nhiều người là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, một số có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, xây dựng gia đình sớm… do đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quán lý, giáo dục bộ đội. Song, bằng nhiều cách làm mới, hiệu quả, những năm qua, công tác quản lý giáo dục chiến sĩ mới ở đơn vị đã có nhiều chuyển biến rõ nét. 100% chiến sĩ mới đều yên tâm công tác, xác định nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Chúng tôi đến Trung đoàn 246 khi đơn vị đang bước vào giai đoạn cao điểm huấn luyện chiến sĩ mới đợt 2-2015. Trên các ngả đường nội bộ đến các thao trường bãi tập, khí thế luyện quân thật sôi động. Bám sát thao trường huấn luyện, Thượng tá La Công Phương, Chính ủy Trung đoàn hồ hởi cho chúng tôi biết, đơn vị đang đẩy mạnh thi đua “30 ngày đêm lập công quyết thắng” chào mừng 70 năm ngày truyền thống LLVT Quân khu, nên cán binh đều “Vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện tập”. Trao đổi về kinh nghiệm quản lý giáo dục chiến sĩ mới anh Phương cho biết: Kinh nghiệm qua nhiều năm thực hiện công tác quản lý giáo dục chiến sĩ mới của đơn vị là luôn sâu sát, lắng nghe và đồng cảm với bộ đội. Ngay từ khi chiến sĩ mới vào đơn vị, chỉ huy đã làm tốt công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, hoàn cảnh gia đình của từng chiến sĩ. Đặc biệt, những đồng chí đã có gia đình vợ con và hoàn cảnh khó khăn... chỉ huy các cấp từ tiểu đội đến tiểu đoàn đều tổ chức gặp gỡ động viên, phân công cán bộ bám lắm, giúp đỡ chia sẻ tình cảm, định hướng tư tưởng giúp cho chiến sĩ vơi bớt nỗi nhớ gia đình, yên tâm công tác gắn bó xây dựng đơn vị.

 

Trung úy Lê Anh Tuấn, Trung đội trưởng, Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 chia sẻ: “Cán bộ, chỉ huy các cấp trong đơn vị luôn thường xuyên quan tâm sâu sát, hướng dẫn chỉ bảo, động viên theo dõi và giúp đỡ chiến sĩ mới từ những công việc thường ngày như cùng ăn, cùng nghỉ, cùng sinh hoạt với bộ đội; sẵn sàng động viên sẻ chia những tâm tư, tình cảm vui, buồn cùng bộ đội…qua đó đã tạo sự thân thiện giữa cán bộ với chiến sĩ và đó là yếu tố quan trọng để giúp cho chiến sĩ mới yên tâm gắn bó học tập, công tác tại đơn vị, cùng nhau đoàn kết phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

 

Trung úy Nguyễn Viết Cường, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 cho biết: Do đặc thù hằng năm đơn vị huấn luyện số chiến sĩ mới là con em đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Dao…trình độ văn hóa còn thấp, nhận thức không đồng đều; nhiều chiến sĩ mới do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên lấy vợ sớm, nhiều chiến sĩ có con nhỏ, vợ chồng mới cưới xa nhau…dẫn đến phân tán về tư tưởng. Qua công tác giáo dục chính trị tư tưởng, cán bộ các cấp đã giúp định hướng nhận thức để chiến sĩ mới yên tâm về tư tưởng, không giao động trước những điều kiện, hoàn cảnh chi phối, tận tậm, tận lực gắn bó với đơn vị. Cùng với đó, đơn vị luôn tổ chức tốt công tác giáo dục lịch sử, truyền thống hào hùng của quê hương Việt Bắc, nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội ta, cũng như truyền thống của đơn vị, nơi ra đời Chi đoàn thanh niên Cứu quốc đầu tiên trong quân đội; qua đó giúp chiến sĩ thêm tự hào về truyền thống của Quân đội và đơn vị, xác định ý trí quyết tâm cao ngay từ những ngày đầu, tuần đầu về học tập công tác tại đơn vị. Thượng úy Ân Tú Sinh, Phó Đại đội trưởng, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 chia sẻ: Chỉ huy đơn vị đã thống nhất cử cán bộ trong đơn vị cùng là người dân tộc, nói tiếng dân tộc cùng với chiến sĩ mới để thông qua các hoạt động sinh hoạt, học tập, lao động công tác hàng ngày, cán bộ, chỉ huy đơn vị nắm và hiểu được tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của chiến sĩ mới; từ đó định hướng tư tưởng, giúp cho chiến sĩ mới yên tâm tư tưởng công tác, nhanh chóng hòa nhập và làm quen với đồng chí, đồng đội trong đơn vị”.

 

Chúng tôi có dịp dự buổi “Giao lưu giữ chiến sĩ cũ và chiến sĩ mới” của đơn vị trong không khí chan hòa thắm tình yêu thương đồng chí đồng đội và cảm nhận được giữa cán binh không còn khoảng cách. Binh nhì Đàm Văn Dũng, dân tộc Nùng, quê xã Vinh Quý, Hạ Lang, Cao Bằng, đang công tác tại Tiểu đội 4, Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 mở màn chương trình giao lưu với gương mặt đầy tự tin. Dũng bộc bạch: “Trước khi nhập ngũ mình đã lập gia đình và có con được 5 tháng tuổi. Những ngày đầu về huấn luyện nỗi nhớ vợ con làm mình không tập trung trong học tập và công tác; nhưng được sự gần gũi động viên sẻ chia của cán bộ và của đồng đội hằng ngày cùng chung nhiệm vụ mình thấy yên tâm rồi, mình phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện để được thưởng tranh thủ về thăm vợ con”. Binh nhì Hoàng Ngọc Tùng, chiến sĩ Tiểu đội 3, Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, dân tộc Tày, quê ở xã Yên Ninh, Phú Lương, Thái Nguyên có hoàn cảnh gia đình khó khăn khi bố mẹ đều mất, Tùng và em trai ở với ông nội, nhưng được sự động viên giúp đỡ của cán bộ các cấp, Tùng đã nhanh chóng hòa nhập và làm quen với các chế độ, nền nếp của đơn vị, thực sự coi cán bộ đơn vị như người thân trong gia đình.

 

Trung sĩ Nguyễn Văn Hướng, Tiểu đội trưởng, Trung đội 9, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 tâm sự: “Thông qua các buổi sinh hoạt tổ, tiểu đội hàng ngày, mỗi chiến sĩ đều thẳng thắn đóng góp cho đồng chí, đồng đội của mình về quá trình thực hiện các nhiệm vụ, giúp nhau khắc phục những khó khăn ban đầu khi nhập ngũ, từ đó hoàn thành tốt công việc mà chỉ huy các cấp phân công”. Binh nhì Lý Văn Tăng, chiến sĩ Tiểu đội 6, Trung đội 8, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, quê ở xã Tam Kim, Nguyên Bình, Cao Bằng bộc bạch: “Là một người con sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng, nơi ra đời của quân đội ta, tôi luôn  tự hứa phải cố gắng học tập và nắm vững các kiến thức toàn diện về chính trị, quân sự, hậu cần, kĩ thuật cũng như chấp hành nghiêm kỷ luật đơn vị, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, chức trách được giao của người chiến sĩ, góp phần tô thắm thêm truyền thống của quê hương mình”.

 

Với nhiều cách làm mới, hiệu quả trong công tác quản lý giáo dục bộ đội, chất lượng huấn luyện chiến sĩ mới của Trung đoàn 246 không ngừng được nâng cao. 100% cán bộ, chiến sĩ luôn yên tâm tư tưởng, xác định rõ vinh dự và trách nhiệm khi về nhận nhiệm vụ tại đơn vị.