Trong những ngày đầu tháng 5 lịch sử, chúng tôi tìm đến mảnh đất từng là chiến trường Hồng Cúm xưa. Từ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, theo hướng đi cửa khẩu Tây Trang, hơn 5km là đến cánh đồng Hồng Cúm. Chiến tranh đã lùi xa 62 năm, bao phủ lên chiến trường ác liệt xưa giờ là sức sống mới, cuộc sống mới của người dân nơi đây.
Trận địa Hồng Cúm ngày xưa, nay là đội C2, thôn Yên Trường (xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Những gì đang có ở Hồng Cúm hôm nay là cánh đồng rau đang vào vụ gieo trồng, uốn quanh theo dòng Nậm Rốm, những bờ tre xanh và bản làng sầm uất. May mắn đối với chúng tôi khi đến đây là được gặp cụ Trần Văn Đáp, cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Cụ kể cho chúng tôi về sự thay da đổi thịt trên mảnh đất Hồng Cúm ngày ấy.
Cụ Đáp cho biết: Trận Hồng Cúm diễn ra từ ngày 31/3 - 7/5/1954, nhưng chúng ta thường nhắc nhiều đến sự kiện chiều 7/5/1954, khi lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân ta phất cao trên nóc hầm tướng De Castries. Nhưng ít ai nhớ rằng, phải 12 giờ đêm hôm đó, cứ điểm cuối cùng của tập đoàn cứ điểm quân Pháp ở Điện Biên Phủ mới bị tiêu diệt, đó là phân khu Hồng Cúm của quân Pháp. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Hồng Cúm cùng với Him Lam, đồi A1 là 3 trung tâm đề kháng kiên cố nhất, mạnh nhất của quân đội Pháp. Hồng Cúm là cứ điểm cuối cùng của quân Pháp bị quân ta tiêu diệt trong đêm 7/5/1954, kết thúc trọn vẹn chiến thắng Điện Biên Phủ của quân và dân ta.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, những cựu chiến binh như cụ Trần Văn Đáp được vận động ở lại xây dựng Nông trường Điện Biên. Cụ cho biết, lúc ấy Hồng Cúm chỉ có vài mái nhà của bà con dân tộc Thái sống thưa thớt. Người dân chỉ biết dựa vào sắn dại và măng rừng , cuộc sống rất khó khăn. Bãi đất mà Quân đội Pháp xây dựng trận địa Hồng Cúm rộng khoảng 35ha, sau chiến dịch chỉ có thép gai, bom mìn như đất chết. Nhờ bộ đội tháo gỡ bom mìn, dây thép, người dân bắt đầu trồng lúa, xây dựng cuộc sống mới sau vết thương chiến tranh.
Sau này, nhận thấy trồng lúa cho hiệu quả kinh tế không cao, người dân đội C2 mới chuyển sang trồng rau luân canh. Bãi đất từng là trận địa ác liệt ấy lại thường xuyên được bồi đắp phù sa nhờ dòng Nậm Rốm - nguồn nước tưới tiêu cho cánh đồng xanh tốt. Những vựa ngô rồi đến bắp cải, cà chua, cà pháo… đã mang lại nguồn t hu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình là 30-40 triệu đồng/năm.
Theo anh Bùi Văn Dinh, Trưởng đội C2, Yên Trường, C2 hiện là đội có kinh tế khá nhất trong xã Thanh Yên, là đơn vị đạt văn hóa tiên tiến. Cả đội có 105 hộ với 335 nhân khẩu nhưng chỉ còn 6 hộ nghèo. Đường sá giao thông thuận tiện, điện lưới quốc gia đến từng nhà. Bà con trong thôn tích cực trồng lúa, rau luân canh và cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, đội C2 chỉ còn thiếu nhà văn hóa và đường bê tông liên thôn nữa là đạt đủ các tiêu chí nông thôn mới.
Sự đổi thay của đội C2, Yên Trường cũng minh chứng cho quyết tâm đi lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thanh Yên. Những năm gần đây, Thanh Yên luôn là địa phương tiêu biểu trong huyện Điện Biên về xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Ông Lù Văn Định, Chủ tịch UBND xã Thanh Yên cho biết: Thanh Yên có gần 1.900 hộ, toàn xã hiện có 300 hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều), chiếm 15%. Hiện xã Thanh Yên đã đạt được 10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đang từng bước phấn đấu để cùng tỉnh Điện Biên đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên đáng kể. Văn hóa - xã hội luôn được duy trì và phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Hệ thống điện, đường, trường, trạm đã cơ bản được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của con em và phục vụ tốt hơn việc khám, chữa bệnh cho nhân dân trong xã.
Điều trăn trở của bà con nơi đây là dù Hồng Cúm là một trong những trận địa ác liệt, cứ điểm quan trọng trong chiến dịch Điện Biên Phủ của Quân đội Pháp, nhưng hiện nơi đây chỉ còn sót lại một tấm bia đã bị xuống cấp, cỏ mọc um tùm. Hầu như du khách khi đến Điện Biên chỉ tham quan những di tích thuộc địa bàn thành phố Điện Biên Phủ hay di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở xã Mường Phăng, huyện Điện Biên. Ít ai biết rằng có một di tích trận địa Hồng Cúm ở đội C2, Yên Trường.
Theo người dân đội C2, di tích trận địa Hồng Cúm dù ở gần Quốc lộ 279, đi Cửa khẩu Tây Trang nhưng lại bị ngăn cách bởi sông Nậm Rốm, mặt khác lại không có biển chỉ dẫn nên du khách không biết. Muốn sang di tích trận địa Hồng Cúm phải đi đường vòng rất phức tạp. Bởi vậy, những cựu chiến binh và người dân đội C2, Yên Trường nói riêng và xã Thanh Yên nói chung, mong muốn chính quyền xây dựng một đoạn đường cùng cây câu nối liền Quốc lộ 279 sang di tích trận địa Hồng Cúm; đồng thời đặt biển hướng dẫn để du khách biết đến và thuận lợi hơn trong việc tham quan khu di tích này./.