Hơn 1 năm trở lại đây, tình trạng nhiều chi bộ phải cùng lúc lãnh đạo từ 2-3 xóm ở Đảng bộ xã Nga My (Phú Bình) đã được khắc phục. Các bí thư chi bộ mới hầu hết đều còn khá trẻ nhưng bước đầu đã tạo dựng được lòng tin đối với cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương. Tuy nhiên, qua thực tế tìm hiểu của chúng tôi thì thách thức đặt ra đối với những chi bộ mới tách ở đây hiện khá nặng nề…
Từ chủ trương đúng và trúng
Tính đến năm 2010, Đảng bộ xã Nga My có 24 chi bộ, trong đó có 4 chi bộ trường học và trạm y tế, 20 chi bộ còn lại lãnh đạo 26 thôn, xóm. Điều này đồng nghĩa với việc còn 6 xóm chưa có chi bộ, phải sinh hoạt ghép. Thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU ngày 17-8-2011 của Tỉnh ủy và Chương trình số 08-Ctr/HU ngày 9-9-2011 của Huyện ủy Phú Bình về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên giai đoạn 2011-2015, Đảng bộ xã đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, nhất là ở những xóm còn ít đảng viên nên tính đến tháng 7-2015, 100% các xóm của Nga My đã thành lập được chi bộ. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin không bàn tới cách triển khai thực hiện Đề án số 07 và Chương trình 08, mà chỉ đề cập đến hiệu quả bước đầu và những khó khăn, thách thức mà các chi bộ vừa tách phải đối mặt. Đáng nói hơn, đây lại là thực trạng khá phổ biến ở các địa phương khác.
Ông Tạ Văn Sơn, Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh Ba Tầng - xóm có chi bộ thành lập sau cùng của xã (tháng 7-2015) chia sẻ: Từ khi có Chi bộ, chúng tôi vẫn nói vui “Ba Tầng giờ mới thực sự có người dẫn đường, chỉ lối”. Nhờ có Chi bộ mà việc đổ bê tông 2km đường của xóm hồi tháng 11-2015 được tiến hành thuận lợi vì tạo được lòng tin trong nhân dân, mặc dù mỗi nhân khẩu đối ứng tới gần 1 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều công việc khác của xóm cũng đã được triển khai dễ dàng hơn kể từ ngày có Chi bộ.
Là người có ngót 20 năm làm bí thư chi bộ phải cùng lúc lãnh đạo tới 2-3 xóm, ông Nguyễn Hữu Lung, Bí thư Chi bộ Núi Ngọc rất tâm đắc với chủ trương tách chi bộ sinh hoạt ghép. Ông Lung cũng không tiếc lời khen đối với nhiều bí thư chi bộ mới và trẻ. Ông bảo: Cần mạnh dạn và tạo điều kiện để lớp trẻ gánh vác trách nhiệm với địa phương, bởi họ vừa có sức khỏe, vừa có trình độ lại có lòng nhiệt huyết. Ông Lung cho rằng, việc các xóm đều có chi bộ lãnh đạo sẽ là tiền đề quan trọng để Nga My phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.
Còn theo đồng chí Trần Bảo Thắng, Bí thư Đảng ủy xã thì với hàng chục công trình được triển khai ở những chi bộ mới tách với sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân phần nào cho thấy hiệu quả cũng như sự tin tưởng của người dân dành cho các chi bộ, trong đó không thể không nhắc tới bí thư. Đáng mừng hơn, hầu hết các đồng chí này đều còn khá trẻ, có người năm nay mới 25-26 tuổi. Tôi tin, đội ngũ cán bộ này sẽ còn phát huy tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Không ít thách thức đang đặt ra
Mặc dù ghi nhận sự thay đổi không hề nhỏ từ khi có Chi bộ, nhưng ông Tạ Văn Sơn vẫn đau đáu nhiều băn khoăn, trăn trở về chất lượng hoạt động của nhiều chi bộ nông thôn, nhất là những chi bộ vừa được chia tách, trong đó có Ba Tầng. Chi bộ hiện có 4 đảng viên nhưng chỉ có 2 người của xóm, còn lại thuộc xóm bên. Trước đó, vào tháng 7-2015, khi Đảng bộ xã có chủ trương thành lập Chi bộ Ba Tầng, do xóm mới có 2 đảng viên chính thức và 1 đảng viên dự bị nên xã đã phải điều 1 đảng viên của Chi bộ Tam Xuân về sinh hoạt cùng. Bí thư Chi bộ được giao cho 1 đảng viên của xóm, nhưng sau 3 tháng hoạt động, do không phát huy được hiệu quả nên Đảng ủy xã đã chỉ định Bí thư Đoàn xã về làm Bí thư. Nay đảng viên dự bị đã được chuyển Đảng chính thức nên Đảng ủy xã có chủ trương sẽ rút đồng chí Bí thư Đoàn xã về sinh hoạt tại Chi bộ cơ quan xã để giao lại trọng trách Bí thư cho đảng viên mới này.
Ông Sơn phân tích: Các cụ ta thường nói đông nhưng chưa chắc đã mạnh, nhưng muốn mạnh thì nhất thiết phải đông. Đông ở đây không có nghĩa phải có quá nhiều người nhưng cũng phải tương xứng với số hộ dân trong xóm. Trong khi cả xóm có 73 hộ mà chi bộ chỉ có 3 người, trong đó có 1 người đang làm công nhân ở Công ty Điện tử Samsung, 1 người lại thuộc về xóm khác thì rất khó để có Chi bộ mạnh. Chỉ ngay như việc giúp đỡ quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Đảng thôi cũng đã là vấn đề không đơn giản!
Đồng tình với quan điểm muốn mạnh thì phải đông, đồng chí Nguyễn Thị Huệ, Bí thư Chi bộ Đình Dầm chia sẻ: Chi bộ tôi hiện có 4 đảng viên, trong đó 1 đảng viên 89 tuổi nên được miễn sinh hoạt, 1 đảng viên đang làm mộc tận Bắc Ninh, 1 đảng viên còn lại thì nay ở nhà, mai đi làm thợ xây. Bởi thế, việc tổ chức sinh hoạt hàng tháng của Chi bộ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đại đa số người dân làm nông nghiệp nhưng các đảng viên trong chi bộ thì lại hiện ít gắn bó với công việc này, bởi thế, việc ra Nghị quyết lãnh đạo bà con phát triển kinh tế không sâu. Cũng bởi số lượng đảng viên ít, công việc lại nhiều nên mặc dù Chi bộ đã thành lập được gần 2 năm, cũng đã làm được nhiều việc cho xóm, nhưng hiện vẫn chưa củng cố, kiện toàn lại được 1 số chi hội, đoàn thể mà gần như đã bị tê liệt từ nhiều năm nay.
Thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn cả hiện tại và tương lai, đồng chí Trần Bảo Thắng nói: Mới và trẻ nên các bí thư ở những chi bộ mới tách đều thiếu cả kinh nghiệm sống lẫn kinh nghiệm lãnh đạo. Vì thế, chỉ cần không nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của 1 đảng viên lớn tuổi hoặc của 1 vài cán bộ hội, đoàn thể thôi thì đã không dễ để giải quyết. Trong khi đó, trên thực tế có một số người nguyên là bí thư hoặc trưởng xóm do không còn đủ tín nhiệm, phải thay thế bằng người khác mà dẫn đến sự hẹp hòi, đố kỵ, cố tình làm khó người kế nhiệm. Lại có cả trường hợp vì mâu thuẫn giữa người lớn của hai bên gia đình mà có đảng viên không quan tâm, đồng ý giới thiệu con, cháu người kia vào Đảng, mặc dù họ hội tụ đủ các điều kiện cần thiết và có nguyện vọng.
Đâu là giải pháp?
Không dễ để giải quyết trong một thời gian ngắn những khó khăn mà các chi bộ mới tách hiện phải đối mặt, nhưng theo nhiều bí thư chi bộ và lãnh đạo Đảng ủy xã thì vấn đề này hoàn toàn có thể được giải quyết nếu tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong cấp ủy, chính quyền và nhân dân, nhất là sự nỗ lực của chính các bí thư chi bộ.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã phân tích: Nếu như trước đây, theo quy định của Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Bình, một trong những điều kiện “cứng” là người vào Đảng phải tốt nghiệp từ bậc THPT trở lên thì nay, đã được điều chỉnh giảm về bậc THCS. Điều này đã, đang và sẽ giúp việc tìm nguồn cho Đảng trở nên thuận lợi hơn. Dù vậy, đồng chí Trần Bảo Thắng vẫn nhắc nhiều đến việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các chi bộ cũng như của trưởng xóm, các hội, đoàn thể ở cơ sở trong việc phát hiện, giới thiệu và bồi dưỡng quần chúng ưu tú để Đảng xem xét, kết nạp. Và để nêu cao tinh thần trách nhiệm của các chi bộ, cuối năm 2014, Đảng bộ xã đã đưa nội dung tạo nguồn và kết nạp đảng viên trở thành 1 trong những tiêu chí để xếp loại thi đua hàng năm đối với các chi bộ. Quy định này bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, khi mà từ năm 2015 trở lại đây, 100% chi bộ đã giới thiệu được quần chúng ưu tú tham gia học lớp tìm hiểu về Đảng và đã có 38 đảng viên mới được kết nạp, vượtkế hoạch 4-5 chỉ tiêu/năm, cao hơn trung bình mỗi năm của nhiệm kỳ trước 9-10 đảng viên.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Đảng bộ xã sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, kiện toàn đội ngũ bí thư chi bộ và trưởng xóm trên cơ sở lấy ý kiến các cán bộ, đại diện các hội, đoàn thể của xã. Từ đó sẽ thay thế những bí thư, trưởng xóm không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và phấn đấu, từ nhiệm kỳ tới của các xóm, 100% trưởng xóm đều là đảng viên. Những trưởng xóm chưa là đảng viên nếu đủ điều kiện sẽ được ưu tiên xem xét kết nạp.
Đồng tình với quan điểm của Bí thư Đảng bộ xã, đồng chí Nguyễn Hữu Lung cho rằng trong thời đại hội nhập hiện nay, rất cần những cán bộ trẻ, khỏe, nhiệt tình và có trình độ. Hết nhiệm kỳ này, tôi sẽ xin thôi làm bí thư để nhường cơ hội cho thế hệ trẻ. Qua thực tế hoạt động của các bí thư chi bộ trẻ ở xã thời gian qua chứng tỏ, các đồng chí đã thể hiện được khả năng lãnh đạo của mình.
Có thể nói, những kết quả đạt được trong việc tách chi bộ ghép ở Nga My những năm qua là rất đáng ghi nhận và bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, thách thức hiện đặt ra đối với những chi bộ này là rất nặng nề. Nếu chỉ nhìn vào các số liệu báo cáo thôi sẽ không đủ để đánh giá hết thực trạng và những khó khăn mà các chi bộ nông thôn này đang phải đối mặt. Điều này khiến việc đưa ra giải pháp sẽ không thiết thực, hiệu quả. Mong rằng, cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ quan tâm hơn nữa đến thực tế này.