“… Sao còn có trên trời người Mèo ơn Đảng. Bao đời nay sống đời lam lũ. Nhớ ơn Đảng đưa tới. Ta từ đây ấm no. Không bỏ rẫy đốt nhà mà lang thang nghèo suốt đời...” - Lời bài hát cũng là tâm sự của nhiều người dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện. Và, một “thành trì” vững chắc đã và đang được xây dựng nơi non cao nhằm ngăn chặn kẻ xấu, bảo vệ dân bản, giúp đồng bào phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Họ là những đảng viên “miệng nói tay làm”, những “hạt giống đỏ” nảy mầm trong gian khó, có lòng kiên trung và nhiệt huyết căng tràn...
Nhận diện cái xấu
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách quan tâm phát triển đời sống kinh tế - xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông. Trên địa bàn tỉnh ta, hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư để xây dựng nhiều công trình điện, đường, trường, trạm... ở các xóm, bản người Mông. Nhờ đó, đời sống của đồng bào đã được nâng lên một bước đáng kể. Nhưng tại sao vẫn có một bộ phận người Mông tin theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình (DVM)? Việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước tới bà con chính vì vậy còn gặp nhiều khó khăn.
Chuyện buồn trên non...
Thái Nguyên có 45 dân tộc thiểu số với khoảng 300 nghìn người, chiếm 27% dân số cả tỉnh, trong đó đồng bào dân tộc Mông có hơn 1.500 hộ với trên 7.700 nhân khẩu, cư trú chủ yếu ở 47 xóm, bản thuộc các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa. Đến nay, có 95 người dân tộc Mông là đảng viên, sinh hoạt tại 10 chi bộ ( Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc; Chòi Hồng, xã Tràng Xá; Mỏ Chì, xã Cúc Đường; Lũng Luông, xã Thượng Nung; Lân Vai, xã Dân Tiến (Võ Nhai); Na Sàng, xã Phú Đô; Đồng Tâm, xã Động Đạt; Phú Thọ, xã Phú Đô (Phú Lương); xóm Lân Quan, xã Tân Long; Khe Cạn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). Như vậy, còn 37 xóm, bản đồng bào Mông chưa có đảng viên, chi bộ. |
“Có những buổi họp của bản, chỉ lác đác vài người, vì thế rất khó tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào với đồng bào. Buổi họp nào có số lượng đông thì phần lớn số người tham dự lại có thái độ phản đối, phá đám, họ chỉ bàn tới xây dựng nhà đòn hay những việc trái với quy định chung của bản... Ngay bầu Trưởng bản cũng gặp không ít khó khăn khi một số đối tượng tự ứng cử, “ép” dân bản phải bầu họ và gạch tên người xứng đáng trong danh sách bầu” - ông Ngô Văn Sinh, công an viên bản Lân Thùng, xóm Đồng Dong, xã Phương Giao (Võ Nhai) chia sẻ. Ông Sinh là một trong những người đầu tiên hạ sơn, khai hoang, dựng nhà ở bản Lân Thùng, giờ ở tuổi thất thập, trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, chứng kiến sự đổi thay ở bản, chưa bao giờ ông thấy Lân Thùng có những điều kiện sống tốt như hiện tại: điện, đường, trường, trạm... đã và đang được Nhà nước đầu tư xây dựng; người dân được hỗ trợ vốn, giống mới, phân bón, khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Nhưng, lòng ông vẫn canh cánh nỗi buồn, sự lo âu khi trong bản còn 17/90 hộ dân tộc Mông tin, nghe và theo tổ chức bất hợp pháp DVM.
Thuộc hàng con, cháu ông Sinh, nhưng em Lý Thị Tang, 26 tuổi, ở bản người Mông Trung Sơn (xã Quang Sơn - Đồng Hỷ) cũng có nỗi niềm trăn trở giống ông Sinh: “Ở bản Trung Sơn, đường bê tông đã tới tận trung tâm xóm, nhà nhà đều sử dụng điện lưới Quốc gia, nước sạch; trẻ em trong độ tuổi được đi học... Người dân trong bản đã biết trồng ngô lai, cấy lúa nước, đời sống ngày một nâng cao. Anh trai của em lập gia đình nhưng chỉ sinh hai con để nuôi dạy cho tốt, chứ không sinh 9-10 người như ông bà, cha mẹ. Bản em có được sự thay đổi hôm nay là nhờ ơn Đảng, Nhà nước dẫn đường, chỉ lối, hỗ trợ vốn làm ăn... Nhưng vẫn có nhiều hộ không nhận thức được điều đó, họ có những việc làm trái với chủ trương, đường lối của Đảng, không tuân thủ theo chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Bản Trung Sơn có hơn 50 hộ dân tộc Mông, thì 33 hộ tin, nghe và theo tổ chức bất hợp pháp DVM làm một số việc trái với quy định của Nhà nước ta như xây dựng nhà đòn; không tham gia bầu cử; người ốm không đưa đi trạm y tế khám, chữa bệnh...
Theo đồng chí Lê Xuân Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Quang Sơn (Đồng Hỷ): Hiện nay, tại bản Trung Sơn vẫn tồn tại nhà đòn. Đã nhiều lần cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh, huyện tổ chức tháo dỡ, tốn kém rất nhiều kinh phí, nhưng cứ buổi sáng dỡ xong nhà thì buổi chiều nhà đòn được dựng lại. Việc này lặp đi, lặp lại rất nhiều lần. Theo quan điểm của tôi, việc phá dỡ nhà đòn chỉ là “phần ngọn” không thể giúp đồng bào Mông hiểu ra những việc làm sai trái của bản thân. Mà “cái gốc” của vấn đề là chúng ta phải phân tích, tuyên truyền làm sao để người Mông giác ngộ, nhận thức được rằng những gì người Mông đang hưởng lợi, đời sống dần ổn định, không phải du canh, du cư như trước là nhờ có Đảng, Nhà nước, chứ không phải tổ chức bất hợp pháp DVM đem lại. Muốn vậy, công tác vận động, tuyên truyền phải là “phần gốc”. Nhưng tuyên truyền bằng cách nào để người Mông hiểu, tin tưởng và tự giác chấp hành đường lối đúng đắn của Đảng... vẫn đang là bài toán khó. Quang Sơn có 2 bản người Mông là Trung Sơn và Lân Đăm. Bản Trung Sơn đã có một số quần chúng ưu tú tham gia lớp cảm tình Đảng, nhưng về không tiếp tục phấn đấu nên giờ vẫn chưa được kết nạp; bản Lân Đăm có 1 đảng viên, nhưng không phát huy được vai trò, bỏ sinh hoạt, vi phạm Điều lệ Đảng, nên chúng tôi đang làm thủ tục xóa tên.
Mong ước giản dị
Qua những câu chuyện bên bếp lửa hồng, tâm tư, mong ước của đồng bào được sẻ chia thẳng thắn, chân thành, mộc mạc. “Tôi đang nỗ lực, phấn đấu để sớm được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Dù tuổi đã cao nhưng tôi nghĩ, khi trở thành đảng viên, mình sẽ thuận lợi hơn trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới đồng bào, giúp bà con hiểu được đâu là đúng, đâu là sai. Hiện nay, tôi luôn đi đầu trong việc đưa các giống cây, con mới vào gieo trồng, chăn nuôi, mang lại hiệu qủa kinh tế cao, bà con tận mắt nhìn thấy thành quả thì mới tin tưởng mình. Ngoài ra, tôi còn động viên con dâu là Lý Thị Dung, 23 tuổi, đã tốt nghiệp THPT, cùng phấn đấu, tu dưỡng để sớm được đứng trong hàng ngũ của Đảng”- Ông Ngô Văn Sinh bộc bạch.
Còn anh La Văn Tiến, 35 tuổi, ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) chia sẻ: “Hiện nay, tôi đang làm Phó xóm, Phó Ban Công tác Mặt trận, dù đã rất tích cực tham gia các hoạt động của xóm cũng như của địa phương, nhưng tôi nhận thức rằng, phải nỗ lực hơn nữa để sớm được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Vào Đảng là môi trường tốt nhất để tôi rèn luyện, trưởng thành và dễ dàng hơn khi tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng tới bà con dân bản, vận động bà con không tin, không theo các tổ chức phản động chống phá Đảng và Nhà nước ta. Vừa qua, tôi đã tham gia lớp cảm tình Đảng, đang hoàn thiện hồ sơ để tổ chức Đảng thẩm tra, xem xét, kết nạp”.
Em Lý Thị Tang, 26 tuổi, ở bản Trung Sơn, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) khẳng định: Muốn mọi người tin yêu thì trước hết mình phải sống tốt, sống có ích. Con đường em lựa chọn chính là con đường của Đảng. Em sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện để sớm được đứng trong hàng ngũ của Đảng, góp sức trẻ giúp dân bản mình nâng cao đời sống, sự hiểu biết, để lựa chọn con đường đi đúng đắn, không tin, không nghe, không theo kẻ xấu.
(Còn nữa)