Có dịp đến thăm Trung đoàn Bộ binh 209 đóng quân trên địa bàn phường Thắng Lợi, thị xã Sông Công, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là cụm đài tưởng niệm các chiến sĩ Điện Biên được bố trí chính giữa khuôn viên, xung quanh được tô điểm bằng những chậu cây cảnh, vườn hoa rực rỡ sắc màu, tạo cho không gian của tượng đài thêm sức vang vọng âm hưởng chiến thắng.
Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng ta chủ trương thành lập các đơn vị vũ trang nhân dân, trong đó có Trung đoàn 112 - Tiền thân của Trung đoàn 209, sư đoàn 312, quân đoàn 1. Nhiệm vụ đơn vị là bảo vệ chính quyền còn non trẻ tại địa bàn ven sông Chảy, Sông Lô, thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ. Ngoài ra, đơn vị còn là lực lượng bảo vệ an toàn tuyệt đối tuyến đường di chuyển các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ và bác Hồ từ Hà Nội về chiến khu Việt Bắc để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Mùa thu năm 1947, sau khi đánh chiếm Hà Nội, thực dân Pháp mở chiến dịch đánh vào chiến khu Việt Bắc nhằm phá tan cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt bộ đội chủ lực của Việt Minh, đặt ách thống trị thực dân lên toàn bộ đất nước Việt Nam. Trung đoàn 112 cùng trung đoàn 87 phối hợp tổ chức đánh địch ở Đoan Hùng, Khe Lau. Trong trận đánh nổi tiếng trên dòng Sông Lô, Trung đoàn đã bắn chìm 4 ca nô, xà lan, 1 tàu chiến, tiêu diệt 350 tên địch. Chiến thắng Đoan Hùng đã làm nức lòng quân dân cả nước, khẳng định sự trưởng thành lớn mạnh của Trung đoàn. Sau chiến dịch, hai Trung đoàn hợp nhất, lấy phiên hiệu là Trung đoàn 87, vinh dự được Bác Hồ và Trung ương Đảng tặng danh hiệu cao quý “Trung đoàn Sông Lô”.
Ngày 02-9-1949, tại rừng Kim Lăng, tỉnh Phú Thọ, Trung đoàn kỷ niệm 2 năm ngày chiến thắng Sông Lô trong chiến dịch Việt Bắc và đón nhận quyết định tổ chức thành lập Trung đoàn chủ lực cơ động trực thuộc Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân Tự vệ. Từ đó đến nay Trung đoàn mang phiên hiệu Trung đoàn 209. Đồng chí Lê Trọng Tấn (sau này là Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam) làm Trung đoàn trưởng, kiêm Chính ủy đầu tiên của Trung đoàn.
Năm 1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên Giới nhằm mở thông biên giới Việt Trung, nối liền với các nước phe Xã hội chủ nghĩa. Trong chiến dịch này Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị “Chiến dịch này chỉ cho đánh thắng, không cho đánh bại”. Quán triệt Chỉ thị của Người, Trung đoàn cùng với Trung đoàn 174 nổ tiếng súng mở màn đánh đồn Đông Khê, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn đã anh dũng chiến đấu, mưu trí, ngoan cường cùng đơn vị bạn tiêu diệt 2 binh đoàn địch. Chiến thắng Biên Giới đã ra tạo bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong chiến dịch Điện Biên phủ, Trung đoàn nằm trong đội hình của Sư đoàn 312, vinh dự tham gia đánh trận mở màn. Đây là trận đánh có ý nghĩa to lớn, tạo niềm tin vào khả năng hiệp đồng tác chiến của các đơn vị. Tiếp sau trận mở màn tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam, Trung đoàn tiếp tục chiến đấu ở đồi D1, điểm cao 505, 505A, phát triển chiến đấu vào tận xào huyệt cuối cùng của địch. Vượt qua ba cứ điểm của địch, Đại đội 360 (nay là Đại đội 1, Tiểu đoàn 7) do tổ dao nhọn của Trung đoàn gồm đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, chiến sỹ Vinh, Nhỏ là những chiến sỹ đầu tiên vào sở chỉ huy của địch, bắt sống tướng Đờcátxtơri cùng Bộ Tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cắm lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" trên nóc hầm tướng Đờcátxtơri lúc 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954. Với chiến thắng trận đánh quyết chiến lược Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp ký hiệp địch Giơ –ne – vơ, kết thúc chiến tranh ở Việt Nam.
Sau năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Trung đoàn được giao nhiệm vụ bảo vệ hậu phương lớn miền Bắc để chi viện cho tiền tuyến miền Nam thống nhất nước nhà. Giai đoạn từ năm 1969- 1972 Trung đoàn thực hiện nhiệm vụ quốc tế tham gia các chiến dịch trên chiến trường Lào: Trung đoàn đã chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong 3 chiến dịch lớn: chiến dịch 139 cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng lần thứ nhất, chiến dịch giải phóng cánh đồng Chum- Xiêng Khoảng lần thứ hai và các cứ điểm Sảm Thông, Long Chẹng trên chiến trường Lào.
Năm 1972 chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Trung đoàn cùng với các đơn vị của Sư đoàn nhận lệnh hành quân từ Nghệ An vào Quảng Trị trực tiếp tham gia chiến đấu phòng ngự tại thành cổ Quảng Trị; trong những ngày tháng chiến đấu phòng ngự ác liệt ở Quảng Trị, cán bộ, chiến sỹ đã nêu cao chủ nghĩa Anh hùng cách mạng. Truyền thống “Sông Lô Anh hùng”, vượt lên mọi gian khổ, hy sinh, lập lên những chiến công xuất sắc. Tiêu biểu trong trận chiến đấu phòng ngự này là cán bộ, chiến sỹ Đại đội 1, Tiểu đoàn 7 đã mưu trí, dũng cảm kiên cường, sau 3 lần đánh bại các đợt tiến công của địch vào Đồi Cháy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tiêu diệt 182 tên địch.
Ngày 24-10- 1973, Bộ trưởng Bộ Quốc thành lập Quân đoàn 1, kể từ đây, Trung đoàn 209 thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu, công tác trong đội hình Quân đoàn 1- Binh đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội ta. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy- Bộ Tư lệnh Quân đoàn mà trực tiếp là Đảng ủy- Chỉ huy Sư đoàn 312. Trong những ngày hào hùng và sôi động đó, rất vinh dự cho Trung đoàn được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 15-4-1975 sau một cuộc hành quân thần tốc trong 12 ngày đêm vượt chặng đường dài 1.700km bảo đảm 100% quân số tới đích, Trung đoàn được Sư đoàn giao nhiệm vụ tiến công căn cứ Phú Lợi, chốt chặn đường số 13, 14 không cho Sư đoàn 5 Ngụy co cụm về Sài Gòn. Trong 15 ngày chiến đấu, Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đập tan tuyến phòng thủ phía Bắc Sài Gòn của địch, giải phóng hoàn toàn tiểu khu Phú Lợi, Lai Khê, Bến Cát, Bình Dương và thị xã Thủ Dầu Một. Tiêu diệt làm tan rã toàn bộ Sư đoàn 5 Ngụy, bắt sống thiết đoàn 1 của Ngụy, diệt 279 tên, bắt 7.740 tên, gọi hàng 3.500 tên, thu 325 súng các loại buộc tên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 Ngụy Chuẩn tướng Lê Nguyên Vĩ phải tự sát, Trung đoàn tiếp tục phát triển chiến đấu trên hướng Bắc Sài Gòn cùng với quân, dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất hoàn toàn Tổ quốc.
Lịch sử 70 năm vẻ vang, Trung đoàn đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao những phần thưởng cao quý: Ngày 20-12-1972 Đại đội 1, Tiểu đoàn 7 được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân. Ngày 12-9-1975 Trung đoàn được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân; 5 cá nhân tiêu biểu của Trung đoàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đó là: Anh hùng liệt sỹ Trần Can, Anh hùng liệt sỹ Trần Cừ, Anh hùng Tạ Quốc Luật, Anh hùng Đinh Văn Mẫu, Anh hùng Hoàng Đăng Vinh; nhiều tập thể và cá nhân được tặng Huân, Huy chương các loại. Đặc biệt Trung Đoàn vinh dự được Bác Hồ hai lần về thăm.
Với những thành tích trong thời hòa bình, Trung đoàn đã được Chính phủ, Bộ Tổng Tham mưu tặng Bằng khen; 7 năm liền được Bộ Tư lệnh Quân đoàn tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng” (2009 - 2015). Năm 2015, Đoàn cơ sở Trung đoàn được Trung ương Đoàn tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc trong công tác đoàn và phong trào thanh niên khối LLVT. Từ năm 2010 đến nay, Trung đoàn liên tục được Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn, UBND tỉnh Thái Nguyên, thành phố Sông Công tặng Bằng khen, Giấy khen đơn vị dân vận tốt.