Mỗi năm, cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, tôi lại bâng khuâng nhớ người đã chụp bức ảnh lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình năm 1945.
Mùa thu năm 1990, tôi tới phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm) thăm Nguyễn Bá Khoản, người Thường Tín (Hà Tây cũ) khi ông vào tuổi 73. Xưa kia, ông là phóng viên nhiếp ảnh các báo Tin Tức, Lao Động, Cứu Quốc nên được đi nhiều. Tới nhà, tôi mới thấy ông nghèo nhưng giàu sản phẩm tinh thần. Trên mặt bàn đầy những ảnh, sổ ghi cảm tưởng ở các triển lãm ảnh, những số báo, những bản chụp bài viết về ông.
Hôm ấy, tôi hỏi ông về bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông vẫn nhớ như in và thong thả thuật lại.
Đó là chiều 2-9-1945, sau khi nghe ông Xuân Thủy, Tổng Biên tập Báo Cứu Quốc dặn dò xong, ông xách chiếc máy ảnh cũ lên Vườn hoa Ba Đình trước giờ khai mạc.
Tới nơi, một khung cảnh hoành tráng hiện ra trước mắt ông. Lễ đài Độc lập mang hình bệ cột cờ thành Thăng Long xưa, phủ vải đỏ xếp thành từng nếp, giữa có ngôi sao vàng lớn, phần trên phủ vải vàng, nổi lên những đường võng bằng lụa đỏ, ở mỗi chỗ tiếp giáp tết một bông hoa. Trên lễ đài có cột cờ ở chính giữa. Nhìn toàn cảnh, lễ đài nổi bật, giản dị mà trang nghiêm, giữa một vườn hoa rộng mênh mông, đằng sau có hàng cây cổ thụ làm nền.
Rồi ông Khoản nhắc lại giờ phút lịch sử. Đoàn xe ô tô chở Bác Hồ và các vị trong Chính phủ lâm thời, có các chiến sĩ bảo vệ đi xe đạp hộ tống hai bên tiến vào lễ đài. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời theo cầu thang lên lễ đài, trong tiếng reo mừng như sấm dậy.
Cuộc mít tinh bắt đầu. Đội quân nhạc cử bài “Tiến quân ca” của Văn Cao. Giữa hàng đầu, dưới nắng thu vàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cả biển người im lặng nghe giọng đọc đầy xúc động của Người. Giữa chừng, Bác ngừng lại hỏi: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”. Cả biển người đồng thanh đáp: “Có… ó… ó”. Sau buổi lễ, đồng bào đi diễu hành ở các đường phố, tắm mình trong không khí độc lập, tự do.
Bỗng ông Khoản đứng dậy, mở tủ, lấy trong một hộp sắt nhỏ bức ảnh thứ hai có thêm một số chi tiết mà bức ảnh trên không có. Nắng chiều lên, nên trên lễ đài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đội mũ cát, đằng sau có người cầm ô che nắng. Đó là ông Chu Đình Xương, nguyên Giám đốc Sở Liêm phóng Hà Nội. Ở góc lễ đài bên phải, một người nước ngoài cao lớn, đội mũ phớt, mặc áo trắng cộc tay, đang điều khiển máy quay phim đặt trên giá ba chân.
Bức ảnh còn đặc tả đội danh dự bảo vệ lễ đài dàn thành ba lớp theo hai bậc thềm hình tròn, đứng nghiêm trang, tay áp vào khẩu súng lục đeo bên người.
Tới đây, ông Khoản xúc động:
- Tôi chọn chỗ đứng, xoay các góc độ, lựa ánh sáng bởi hồi ấy chưa có ống kính tê lê, ghi được hình ảnh vị Chủ tịch nước đầu tiên giữa khung cảnh hùng tráng một ngày lịch sử trọng đại của dân tộc. Bình tĩnh, tôi bấm liền mấy kiểu với những tốc độ khác nhau. Ngoài bức ảnh lịch sử ấy, tôi còn bấm được nhiều kiểu khác như đội danh dự bảo vệ lễ đài, các đoàn thể… Chiều hôm ấy, phim được tráng ngay, ảnh được in thành nhiều bức. Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập là bức đẹp nhất, đánh dấu nửa đời người cầm máy ảnh của tôi!
Năm sau, đúng ngày 19-8-1946, bức ảnh lịch sử được phóng to và trưng bày lần đầu tiên tại Nhà Triển lãm Tràng Tiền, trước sự ngưỡng mộ của đồng bào Thủ đô và cả nước.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp và trở về Hà Nội sau ngày giải phóng, ông Khoản đã bảo quản, giữ gìn những phim ảnh chụp được rất cẩn thận. Năm 1990, ông gửi tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2.000 tác phẩm, tài sản quý của một đời phóng viên nhiếp ảnh. Năm 1993, ông qua đời ở tuổi 76. Tháng 7-1996, Nguyễn Bá Khoản được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I.