Ngày thứ hai Hội nghị trực tuyến quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII

12:18, 28/03/2021

Sáng 28-3, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã giới thiệu, quán triệt Chuyên đề thứ 3 về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025.

Tại điểm cầu của tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí nguyên là Thường trực Tỉnh ủy đang cư trú trên địa bàn T.P Thái Nguyên; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, báo cáo viên cấp tỉnh.

Toàn tỉnh có 64 điểm cầu (3 điểm cầu tại Tỉnh ủy, 17 điểm cầu cấp huyện, đoàn thể và 44 điểm cầu cấp cơ sở) có trên 9.700 đại biểu tham dự học tập nghị quyết.

Về tình hình đất nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; thế và lực lớn mạnh hơn nhiều, quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro; trình độ khoa học công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực trong thời kỳ đầu thực hiện chiến lược phát triển KT-XH đất nước.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong khó khăn thách thức phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm. Theo đó, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm; phát huy mạnh mẽ vai trò của của các doanh nghiệp thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa. Tập trung khắc phục hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, xây dựng các mô hình mới, tận dụng tốt các cơ hội chuyển dịch đầu tư khu vực và toàn cầu.

Về quan điểm phát triển trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Tập trung phát triển nhanh và bền vững; dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng sức mạnh nội sinh quan trọng; phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước. Xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại. Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường với quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn…

Trong chuyên đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu bật 5 bài học kinh nghiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và 3 thành tố trọng tâm trong chủ đề chiến lược phát triển đất nước trong thời gian tới, cũng như những nội hàm mới trong các đột phá chiến lược.

Chiều nay 28-3, các đại biểu nghe Chuyên đề 4: Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam, do đồng chí Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng truyền đạt và Chuyên đề 5: Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh Quốc gia, do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an truyền đạt.

Để nhanh chóng đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, đồng chí Phạm Hoàng Sơn đề nghị ngay sau Hội nghị trực tuyến, các đồng chí bí thư cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị rà soát lại toàn bộ cán bộ chủ chốt, những đồng chí nào chưa được học tập tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII đảm bảo đúng quy định. Các cấp ủy đảng chỉ đạo tổ chức hội nghị quán triệt, tuyên truyền nghị quyết tới toàn thể cán bộ, đảng viên ở cơ sở thời gian xong trước ngày 30/5/2021; tổ chức tuyên truyền rộng rãi Nghị quyết đến các tầng lớp nhân dân thông qua các hình thức phù hợp, chú trọng đến khu vực vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, người theo đạo. Đối với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, chỉ đạo, tổ chức quán triệt nghị quyết đến cán bộ, đoàn viên, hội viên đảm bảo phù hợp, thiết thực; đồng thời tổ chức giới thiệu nội dung các văn kiện Đại hội XIII của Đảng cho các chức sắc tôn giáo, cá nhân tiêu biểu bằng hình thức phù hợp. Trường Chính trị tỉnh chủ trì tổ chức bồi dưỡng chuyên sâu về nội dung Nghị quyết Đại hội XIII cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường, đội ngũ báo cáo viên và giảng viên trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn cũng nhấn mạnh ngay sau đợt học tập, các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tổ chức đảng, căn cứ chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của cấp ủy cấp trên trực tiếp để bổ sung, xây dựng chương trình hành động của cấp ủy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị, thể hiện quyết tâm đổi mới, sáng tạo và đảm bảo tính khả thi, thiết thực, hiệu quả. Đồng chí cũng giao cho các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết đảm bảo đúng tinh thần Chỉ thị số 01-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 15-KH/TU của Tỉnh ủy.