Thăm Nhà lưu niệm của Đại tướng

13:07, 25/08/2021

Trong lòng nhiều người dân Thái Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là vị tướng văn võ song toàn, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là con người nghĩa tình, thủy chung, giản dị. Một ngày tháng Tám, chúng tôi có dịp thăm Nhà lưu niệm của Đại tướng ở đảo Kim Bảng, hồ Núi Cốc (xã Phúc Trìu, T.P Thái Nguyên), để tri ân và cảm nhận phần nào về cuộc sống lúc sinh thời cũng như tình cảm của Đại tướng dành cho quân dân Việt Bắc nói chung và Thái Nguyên nói riêng.

Tháng 8 mùa Thu xanh mát, trời trong và nắng vàng dịu nhẹ trải khắp ngôi Nhà lưu niệm của Đại tướng ở hồ Núi Cốc. Đây là nơi sinh thời Đại tướng thường dừng chân, nghỉ ngơi trong các cuộc hành trình về với đồng bào Việt Bắc.

Ông Nguyễn Quý Nghĩa, người thân gia đình Đại tướng được giao trông nom ngôi nhà này suốt 10 năm qua chia sẻ: Năm 1996, gia đình xây dựng ngôi nhà hai tầng, mái ngói, kiến trúc hiện đại song vẫn mang dáng dấp của nhà sàn của đồng bào Tày, Nùng Việt Bắc. Ngôi nhà hoàn thành năm 1999, Đại tướng đã cùng gia đình về đây ở. Khi Đại tướng mất, năm 2014, gia đình đã di chuyển chân nhang từ Hà Nội về để thắp hương Đại tướng tại khu nhà này. Năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 109 năm ngày sinh của Đại tướng, bức tượng Đại tướng bằng đồng cũng được đưa về đây.

Ngôi nhà giản dị, nhìn thẳng ra phía Nam hồ Núi Cốc được bao quanh bởi hồ nước trong xanh và rất nhiều cây bóng mát. Đến đây, mỗi người có thể cảm nhận được những kỷ vật in hình bóng của Đại tướng. Đó là cây đa tỏa bóng xanh mát giữa hồ, năm 1998, Đại tướng cho người mang lên trồng ở khuôn viên ngôi Nhà. Nhìn cây đa sum suê tỏa bóng mát giữa đảo, tôi liên tưởng đến dáng dấp cây đa hiên ngang ở rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), nơi tháng 12-1944 ông đọc Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Cũng dưới gốc đa sững sững ở Tân Trào, Tuyên Quang, chiều ngày 16-8-1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, chỉ huy các đơn vị cùng nhân dân cả nước thực hiện cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền…

Hình ảnh Đại tướng và gia đình dùng cơm trong thời gian ở ngôi Nhà.

Trong phòng khách của ngôi Nhà, bức ảnh Đại tướng với Bác Hồ năm 1950 ở Thái Nguyên trước giờ xuất phát đi Chiến dịch biên giới được treo trang trọng. Trong ảnh, Bác nằm nghỉ trên tấm bạt bên gốc đa chợ Đu (Phú Lương), ngồi bên cạnh là Đại tướng. Phòng khách cũng được treo nhiều bức ảnh do các phóng viên, nhà báo từng được gặp gỡ, phỏng vấn Đại tướng trao tặng lại cho gia đình. Ngoài các bức ảnh, gia đình còn gìn giữ, bảo quản nguyên vẹn các kỷ vật đã từng gắn bó với Đại tướng như: Chiếc giường ngủ bằng gỗ đơn sơ; một bộ bàn ghế làm việc bằng gỗ thông; bộ bàn ghế mây ngồi uống nước; bộ bàn ăn trước đây gia đình Đại tướng ngồi quây quần dùng bữa…

Chị Nguyễn Liên ở tổ 8, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên), nói: Lần nào đến Nhà lưu niệm của Đại tướng ngắm nhìn từng kỷ vật đó, trong lòng tôi cũng trào dâng cảm xúc khó tả. Hình ảnh Đại tướng hiện hữu trong từng kỷ vật và luôn sống mãi cùng với chiến khu Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn.

Còn chị Trịnh Thị Huệ, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trìu cho biết: Hàng năm vào dịp sinh nhật và ngày giỗ Đại tướng, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã đều đến thăm, dâng hương tưởng nhớ Đại tướng. Nếu khu Nhà lưu niệm được đầu tư, tôn tạo và mở cửa đón khách tham quan kết hợp với hành trình về nguồn ATK sẽ là một cách tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ người dân Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung...