Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV được người dân kỳ vọng sẽ giúp phân tích, giám sát, giải quyết hàng loạt vấn đề kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch bệnh sau những hệ lụy của làn sóng dịch thứ 4.
Kể từ Kỳ họp Quốc hội thứ nhất kết thúc cuối tháng 7 vừa rồi cho đến nay, đất nước đã trải qua hàng loạt sự kiện chưa từng có do đại dịch COVID-19 bùng phát, đặc biệt là ở T.P Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Có tới 23 tỉnh phải thực hiện phong tỏa, đa số còn lại phải giãn cách.
Trên góc độ toàn quốc, kinh tế quý 3 tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm ngoái, làm cho tăng trưởng 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42% - mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay. Dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra (6%).
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người lao động, người dân, đặc biệt là ở những vùng áp dụng Chỉ thị 16, đều gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp kiệt sức phải dừng hoạt động, giải thể, phá sản. Nợ xấu ngân hàng có khả năng tăng cao; tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường lao động, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh.
Từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế thời gian qua có thể nhận thấy rằng chúng ta cần đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể.
Duy trì mặt trận kinh tế, đảm bảo sản xuất, kinh doanh và lưu thông cho doanh nghiệp, sinh kế của người dân không thể bằng các biện pháp chống dịch cực đoan, hà khắc, phân mảnh, tỉnh nào biết tỉnh đó. Cần đặc biệt tránh tình trạng mỗi địa phương chống dịch một kiểu, “ngăn sông cấm chợ”. Nếu tình trạng này kéo dài, lặp đi lặp lại làm cho cả xã hội điêu đứng thì không thể đảm bảo mục tiêu kép.
Không ít cán bộ địa phương mắc bệnh sợ trách nhiệm, chỉ đóng cửa và cách ly cho an toàn, không hiểu hết nỗi khổ, khó khăn của doanh nghiệp và người dân.
Cũng vì thế Quốc hội đã ban hành nghị quyết 30/2021/QH15 trao “thượng phương bảo kiếm” cho Thủ tướng và Chính phủ. Nghị quyết được các đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân đánh giá cao, xuất phát từ thực tiễn phức tạp của dịch bệnh, thể hiện trách nhiệm cao của Quốc hội, cũng như từng đại biểu Quốc hội. Trong đó, quan trọng nhất là việc cụ thể hóa những định hướng mang tính cấp bách để triển khai trong thực tế chưa được quy định ở các luật hiện hành.
Bằng việc ban hành nghị quyết này, Quốc hội đã thể hiện là một cơ quan lập pháp hành động, đồng hành với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch.
Thế nhưng, sau hơn 3 tháng, với sự bùng phát dịch bệnh và suy kiệt kinh tế, Nghị quyết 30 đã được thực hiện như thế nào là câu hỏi cần được đặt ra và trả lời tại Kỳ họp này của Quốc hội.