Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

11:02, 20/10/2021

Sáng nay (20-10), Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV chính thức khai mạc. Dự Phiên khai mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đại diện các bộ, ban, ngành. Phiên khai mạc được thực hiện trực tuyến từ điểm cầu tại Hội trường Diên Hồng - Toà nhà Quốc hội tới điểm cầu các tỉnh, thành.

Chủ trì tại điểm cầu Thái Nguyên là đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ và Câu lạc bộ Hưu trí tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biều Quốc hội tỉnh và các đại biểu dự Kỳ họp tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên.

Ngay sau nghi thức Chào cờ, Quốc hội dành 1 phút mặc niệm đồng bào, chiến sĩ hy sinh, từ trần vì dịch bệnh COVID-19 vừa qua. Trước khi khai mạc chính thức, Quốc hội đã họp phiên trù bị để thông qua chương trình Kỳ họp.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh cả nước tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo ra xung lực mới và khí thế mới cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt nước ta đang từng bước trở về trạng thái “bình thường mới”, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, vừa không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch. 

Theo nội dung chương trình, trong 2 đợt của Kỳ họp (đợt 1 họp trực tuyến 11 ngày, liên tục từ ngày 20 đến 30-10 và đợt họp tập trung tại Nhà Quốc hội 6 ngày, từ ngày 8 đến 13-11), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp) và xem xét, cho ý kiến vào 5 dự án luật.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề KT-XH, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. 

Cụ thể, Quốc hội xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có nội dung về việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Quyết định Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024…  

Một trong những nội dung quan trọng của Kỳ họp này là Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Sau bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 (trong đó có công tác phòng, chống dịch COVID-19). Tiếp đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ có Báo cáo thẩm tra đánh giá về báo cáo này của Chính phủ. 

Liên quan đến nội dung đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế trong nước được duy trì khá tốt (đạt 5,64%); tuy nhiên, dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh, số ca lây nhiễm, tử vong tăng cao, tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, sức khỏe, thể chất và tinh thần của người dân, làm quá tải hệ thống y tế và các lực lượng tham gia phòng, chống dịch.  

Với chủ trương nhất quán không đánh đổi môi trường, sức khỏe và tính mạng của người dân lấy tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhiều chính sách, giải pháp được ban hành cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Công tác phòng, chống dịch được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời; xây dựng, hoàn thiện pháp luật phục vụ công tác phòng, chống dịch được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đồng hành, quyết liệt, xử lý kịp thời.

Về dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, Chính phủ đưa ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực KT-XH, môi trường, trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%... 

Chính phủ cũng đề xuất 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện mục tiêu phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả để sớm mở cửa trở lại, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH; tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.  

Tại phiên họp thứ 4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KT-XH năm 2022 như Chính phủ trình và đề nghị tập trung một số nội dung trọng tâm như: Thực hiện chuyển đổi sang mô hình thích ứng an toàn với dịch bệnh; xây dựng phương án, giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại một số địa phương; bảo đảm đủ nguồn cung vắc xin, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, nâng cao năng lực hệ thống y tế, tăng cường khả năng điều trị bệnh;

Đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách “kiểm soát chặt chẽ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát”, rà soát dự toán 2022, sắp xếp các nhiệm vụ, giải pháp theo thứ tự ưu tiên để cân đối với nguồn lực; thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, công trình; bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; phục hồi sản xuất công nghiệp, các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy; tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng phương án đón khách du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát...

Theo Chương trình Kỳ họp, trong buổi sáng, Quốc hội nghe các báo cáo: Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; Thẩm tra về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. 

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục nghe các báo cáo, tờ trình: Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024; thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Tờ trình về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Tiếp đó, các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận tại tổ (10 tổ tại Nhà Quốc hội và 62 tổ tại 62 tỉnh, thành) đối với Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.