Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, sáng 22-10, Quốc hội nghe một số báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết và tiến hành thảo luận tại tổ dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh chủ trì Tổ thảo luận của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên.
Các báo cáo, tờ trình được trình bày trong sáng ngày làm việc thứ 3 gồm: Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế; Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.
Các ĐBQH Tổ Thái Nguyên tập trung thảo luận, đóng góp vào những vấn đề: Chính sách dư nợ vay đối với 4 tỉnh; ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố; thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn; quản lý đất đai; quản lý quy hoạch; thu từ xử lý nhà, đất; về thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế...
Các đại biểu đều đồng tình với chủ trương ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố để thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng: Cần đưa ra tiêu chuẩn cụ thể để nhận biết địa phương nào thuộc diện được hưởng các cơ chế đặc thù.
Về thời gian thực hiện thí điểm, các đại biểu thống nhất đề nghị chỉ nên áp dụng trong 3 năm (2022-2025), sau đó tiến hành tổng kết, đánh giá để nếu các cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả tích cực thì áp dụng rộng rãi.
Về vấn đề quản lý đất đai, nhiều đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ hơn việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trong dự thảo nghị quyết, đảm bảo tỷ lệ rừng và giữ gìn tài nguyên, tránh phá vỡ quy hoạch.
Ngoài ra, các ĐBQH tỉnh cũng đề nghị tiến hành tổng kết, đánh giá những nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù đối với các địa phương đã được Quốc hội khoá XIV thông qua.
Về chính sách dư nợ vay, có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng mức trần tổng dư nợ vay, vì thực tế hiện nay các địa phương trên chưa vay được hết mức trần theo quy định hiện hành. Đối với nội dung thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn, đại biểu đề nghị việc điều chỉnh, ban hành mới các khoản phí, lệ phí phải công khai, minh bạch; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; công khai, minh bạch; không ảnh hưởng đến các địa phương khác.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục nghe các báo cáo, tờ trình: Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020 và Báo cáo thẩm tra về nội dung này; Báo cáo về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020 và Báo cáo thẩm tra nội dung này. Sau đó tiếp tục thảo luận ở tổ về các nội dung trên.