Chiều 16-11, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW, chủ trì Hội nghị góp ý vào dự thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW, của Bộ Chính trị khóa IX về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020” (Nghị quyết 37).
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến 16 tỉnh, thành trong khu vực. Đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên.
Dự thảo báo cáo đánh giá: Sau 17 năm (2004-2020) thực hiện Nghị quyết 37, phần lớn các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của vùng đã hoàn thành và vượt kế hoạch. Đời sống của người dân được cải thiện đáng kể, tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm của các tỉnh trong vùng đạt mức cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Nhiều điểm nghẽn, hạn chế dần được khơi thông, lợi thế trong nhiều ngành, lĩnh vực được phát huy...
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn còn nhiều hạn chế như: Thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, quy mô kinh tế vùng nhỏ, cơ cấu kinh tế chưa hiện đại...
Tham gia góp ý tại Hội nghị, tỉnh Thái Nguyên cơ bản nhất trí với bố cục, nội dung dự thảo báo cáo. Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung, chỉnh sửa một số ý và câu từ trong phần đánh giá kết quả, mục tiêu, nhóm giải pháp thực hiện, nhất là một số nội dung tỉnh Thái Nguyên đã gửi Ban Chỉ đạo như: Rà soát thêm đối với diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng; đề nghị cập nhật số liệu mới, những thành tựu đạt được của địa phương; đề nghị phân kỳ tăng trưởng kinh tế GRDP đến năm 2030 theo 2 giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030; đề nghị bổ sung tuyến đường động lực liên kết, kết nối các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang thành một trong những hành lang kinh tế quan trọng…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết và có tính gợi mở của các đại biểu. Đồng chí đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu và nghiên cứu, chỉnh sửa để sớm hoàn thiện báo cáo tổng kết. Trên cơ sở đó, đề xuất Bộ Chính trị ban hành chủ trương cho giai đoạn phát triển tiếp theo.