Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng

03:04, 25/12/2021

Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức ngày 25-12.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan (ảnh).

Trong năm 2021, ngành GTVT đã nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ; công tác đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và giải ngân vốn đầu tư công được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4/5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia về đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa (sớm hơn 1 năm so với yêu cầu của Chính phủ); triển khai hiệu quả việc xây dựng Đề án phát triển đường cao tốc đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050…

Bên cạnh đó, gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngành GTVT đã tham mưu và làm tốt công tác đảm bảo an toàn hoạt động vận tải, tạo luồng xanh, phục vụ giao thông, giao thương linh hoạt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa… 

Đối với Thái Nguyên, năm 2021 tiếp tục là một năm hạ tầng giao thông của tỉnh từng bước được đầu tư hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Toàn tỉnh hiện có 4.822km đường bộ, 100% các tuyến quốc lộ và cao tốc đã được thảm bê tông nhựa với chất lượng phục vụ khá; trên 100% các tuyến đường tỉnh được nhựa hóa, mở rộng mặt đường từ 3,5m lên 5-5,5m; trên 2.300 km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa và đổ bê tông; trên 80% số xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị: Ngành GTVT phải coi việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm 2022; triển khai sớm các phương án đầu tư, chủ động chuẩn bị nguồn lực, phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có 3.000km đường cao tốc. Cùng với hạ tầng đường bộ, Ngành cần chú trọng triển khai các dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực hàng không, hàng hải.

Riêng đối với đường sắt, Bộ GTVT cần tập trung nghiên cứu, đề xuất bổ sung các tuyến mới; tăng cường bảo dưỡng hạ tầng đường sắt hiện có, đảm bảo an toàn; ngoài ra phối hợp cùng các bộ, ngành sớm trình Đề án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ngành GTVT tiếp tục tăng cường kiểm soát phương tiện quá khổ, quá tải, siết chặt công tác đào tạo sát hạch để đảm bảo an toàn, kéo giảm tai nạn giao thông với tỉ lệ 5 - 10%/năm...