“Nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại” để nâng cao vai trò của báo chí

01:04, 24/12/2021

Sáng 24-12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, chủ quản báo chí; cơ quan báo chí Trung ương và địa phương...

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trong cả nước. Điểm cầu Thái Nguyên do đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND chủ trì.

Báo chí định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội

Theo đánh giá tại Hội nghị, năm 2021, lĩnh vực báo chí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực: Công tác chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả; việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường; tình trạng các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội “núp bóng” hoạt động như cơ quan báo chí đã từng bước được chấn chỉnh, khắc phục. Việc quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 tiếp tục được triển khai; phát triển báo chí theo định hướng Đại hội XIII của Đảng đề ra: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. 

Năm 2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí, tăng 37 cơ quan so với năm 2020; trên 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, 17.161 người được cấp thẻ nhà báo. Các cơ quan báo chí đã chủ động đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, tính chuyên sâu của các chương trình, tin, bài, đặc biệt là các tuyến tin, bài thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội...

Tuy nhiên, sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý với cơ quan chủ quản trong quản lý báo chí có lúc, có nơi còn chưa chủ động, kịp thời; một số trường hợp, thông tin trên báo chí còn chậm, chưa kịp thời định hướng dư luận xã hội, nhất là các vụ việc phức tạp, nhạy cảm; vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích; tình trạng phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự có dấu hiệu gia tăng.

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Hội nghị cũng nghe đại biểu tham luận, trao đổi, chia sẻ về: Kinh nghiệm của Báo Nhân Dân trong tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đổi mới công tác thông tin đối ngoại của Thông tấn xã Việt Nam; nâng cao chất lượng tuyên truyền hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp của Truyền hình Quốc hội; đổi mới mô hình tổ chức, sắp xếp lại cơ quan báo chí của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước…

Báo chí cần phát huy tinh thần “nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại”

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao những đóng góp của các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần giữ vững ổn định chính trị, duy trì đà tăng trưởng kinh tế - xã hội; phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả. Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, thời gian tới, công tác quy hoạch và quản lý báo chí cần tiếp tục đánh giá, rà soát, điều chỉnh thực hiện chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh hình thức, lãng phí nguồn lực xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội Nghị.

Trong bối cảnh cạnh tranh báo chí, mạng xã hội như hiện nay, cần phải có cơ chế đảm bảo cho các tòa soạn hoạt động, Bộ Thông tin và Truyền thông phải là cơ quan đầu mối, giao nhiệm vụ, đặt hàng các cơ quan báo chí thực hiện; yêu cầu các bộ, ngành cung cấp thông tin cho báo chí; hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số, hình thành cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực quản lý dữ liệu. Các cơ quan báo chí phải chủ động trong khai thác thông tin từ các nguồn khác nhau, minh bạch thông tin một cách nhanh nhất có thể để định hướng công luận.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các cơ quan báo chí tiếp tục bám sát thông tin để động viên, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao sự đóng góp của các cơ quan báo chí vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Trong đó, các cơ quan báo chí đã thể hiện vai trò, trách nhiệm trong tuyên truyền về loạt sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2021, đặc biệt là góp phần truyền tải thông tin nhanh nhất, tạo sự đồng thuận dư luận để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống COVID-19. Cùng với đó, các cơ quan báo chí đã góp phần rất lớn vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, điều này thể hiện rất rõ qua đợt tuyên truyền đậm nét về thành công của đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu trong thời gian tới, báo chí cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng với tinh thần “nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại”; phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền về Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thực hiện tốt sứ mệnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thông tin, tuyên truyền đúng, trúng, dễ hiểu về công tác phòng, chống dịch COVID-19; làm tốt hơn công tác quy hoạch, quản lý báo chí, nhất là báo điện tử; tăng cường công tác tuyên truyền về kinh tế - xã hội, pháp luật, văn hóa, thông tin đối ngoại…

“Các cơ quan báo chí cần góp phần làm lành mạnh hóa thông tin trên không gian mạng, tránh những thông tin xấu, độc và sai sự thật. Trong đó cần đặt trọng tâm ưu tiên tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Ngay trong năm 2022, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề án 100 năm phát triển của ngành báo chí cách mạng Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Khen thưởng 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2021.

Nhân dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2021 và 20 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021.