Thực hiện sắp xếp, sáp nhập các xóm, tổ dân phố theo chủ trương của Đảng, đến nay, huyện Phú Lương đã sáp nhập 18 xóm thành 9 xóm. Theo đánh giá của Ban Tổ chức Huyện ủy Phú Lương: Nhìn chung, sau sáp nhập, bộ máy cấp ủy, trưởng xóm và các đoàn thể hoạt động đều hiệu quả; huy động được nhân dân chung sức, đồng lòng thực hiện hiệu quả các phong trào, điển hình là xây dựng nông thôn mới.
Chúng tôi có mặt ở xóm Cọ 1, xã Phấn Mễ, đúng thời điểm xóm đang xây dựng nhà văn hóa mới. Tiếng máy xúc trộn bê tông, tiếng thợ xây vừa làm vừa nói chuyện râm ran.
Cọ 1 sáp nhập từ xóm Cọ 1 và Phú Yên từ năm 2019, hiện có 170 hộ với trên 650 nhân khẩu. Người dân trong xóm chủ yếu sống nhờ nông nghiệp. Việc đầu tiên sau khi sáp nhập, xóm đã kiện toàn bộ máy hoạt động, đồng thời xây dựng lại hương ước, quy ước phù hợp, được nhân dân nhất trí cao.
Chi bộ cũng đã ra nghị quyết lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đảng viên phụ trách từng nhóm dân cư.
Đồng chí Nông Văn Tân, Bí thư Chi bộ xóm cho biết: Trước thực trạng Nhà văn hóa xóm chật hẹp, không đáp ứng nhu cầu sử dụng, Chi bộ đã ra nghị quyết lãnh đạo, xóm tổ chức xin ý kiến và được 100% người dân thống nhất xây dựng Nhà văn hóa mới, thu 600 nghìn đồng/khẩu. Một số cụ cao tuổi như Lại Văn Cành, gần 90 tuổi mặc dù được miễn nhưng vẫn đóng góp tích cực. Dự kiến, Nhà văn hóa rộng gần 200m2 trong khuôn viên trên 1.000m2 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên Đán sắp tới.
Cũng như xóm Cọ 1, xóm Đồng Kem (sáp nhập từ xóm Đồng Kem 4 và 10), xã Yên Ninh, sau sáp nhập, song song với việc kiện toàn trưởng, phó các đoàn thể, Chi bộ tiếp tục triển khai kế hoạch cụ thể thực hiện mục tiêu của Nghị quyết: Lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.
Địa bàn rộng, xóm có hơn 220 hộ, trên 800 nhân khẩu nên công việc của đội ngũ những người không chuyên trách thêm phần vất vả song họ đều cố gắng hoàn thành.
Đồng chí Nông Văn Thăng, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm thông tin: Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, Chi bộ cũng chỉ đạo Ban Công tác Mặt trận xóm phối hợp với các đoàn thể vận động người dân nộp đầy đủ các khoản tiền đối ứng và đóng góp quỹ theo quy định. Nhân dân trong xóm đồng thuận cao đóng góp tiền lát nền hội trường, sơn sửa lại Nhà văn hóa khang trang, xây dựng tường rào khuôn viên, làm hệ thống điện thắp sáng đường làng ngõ xóm.
Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Yên Ninh thường xuyên sâu sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở các xóm sau sáp nhập.
Đồng chí Lâm Văn Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Yên Ninh cho biết: Năm 2020, Ban Thường vụ Đảng ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sáp nhập 4 xóm thành 2 xóm gồm: Đồng Kem 4, Đồng Kem 10 thành xóm Đồng Kem; Ba Luồng, Khe Khoang thành xóm Ba Luồng – Khe Khoang. Các vướng mắc ban đầu khi địa bàn khu dân cư được mở rộng, giấy tờ liên quan của người dân thay đổi hay việc lựa chọn được những người có sức khỏe, trình độ, năng lực, tâm huyết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ… cơ bản được giải quyết nên các xóm sau sáp nhập đều hoạt động hiệu quả. Người dân ổn định tư tưởng, tập trung phát triển kinh tế và tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Tính đến nay, huyện Phú Lương đã thực hiện sáp nhập 6 xóm của xã Yên Lạc thành 3 xóm, 6 xóm của xã Phấn Mễ thành 3 xóm, 4 xóm của xã Yên Ninh thành 2 xóm, 2 tổ dân phố của thị trấn Giang Tiên thành 1 tổ dân phố. Sau khi sáp nhập, tổng số xóm trên địa bàn huyện giảm từ 255 xóm xuống 246 xóm.
Toàn huyện có 178/246 trưởng xóm là đảng viên, 75/246 xóm, tổ dân phố thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng xóm, trưởng ban công tác mặt trận.
Cơ bản, đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng xóm đều đã phát huy tốt vai trò tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Các yếu tố khác biệt về văn hóa, nếp sinh hoạt cộng đồng; hạ tầng, thiết chế văn hóa; tâm tư của đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở… cũng đã được cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời giải quyết.