Ngay sau khi Nghị quyết 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, các bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng lộ trình, tiến độ và kế hoạch cụ thể theo tháng đối với từng giai đoạn của quá trình lập quy hoạch; đồng thời, để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch theo tinh thần Nghị quyết 119.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chủ trì, phối hợp các bộ tổ chức 3 hội nghị trực tuyến về công tác quy hoạch với các địa phương thuộc 5 vùng: trung du miền núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ và tổ chức làm việc với nhiều địa phương về công tác quy hoạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ là cơ quan lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tổng thể quốc gia). Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được triển khai lập ở nước ta theo quy định tại Luật Quy hoạch (năm 2017); đây là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch ngành quốc gia; quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.
Đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia, thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1226/QĐ-TTg ngày 24/9/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình và được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 4/10/2020. Hiện nay, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các bộ, ngành hoàn thành nội dung “phân tích, đánh giá thực trạng phát triển của quốc gia” và “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia”, gửi xin ý kiến các bộ, ngành 2 lần và địa phương 1 lần; đồng thời, đã tổ chức nhiều hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện. Trong quá trình xây dựng Báo cáo, Bộ đã tham khảo kinh nghiệm về lập quy hoạch không gian của các nước, tập trung một số quốc gia có điều kiện tương đồng Việt Nam như Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc.
Theo Báo cáo định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia, trong tổ chức không gian phát triển đất nước, phát triển vùng đã có bước chuyển biến, hình thành nhiều vùng kinh tế lớn, có vai trò quan trọng. Từng vùng đã phát huy, khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; tăng cường liên kết vùng, nhiều công trình hạ tầng kết nối vùng được hoàn thành. Các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam, các đô thị lớn đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách. Bước đầu đã hình thành các hành lang kinh tế trên địa bàn các vùng, nhất là các hành lang gắn với các đô thị lớn.
Không gian đô thị được mở rộng, dần hình thành mạng lưới đô thị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Số lượng đô thị tăng từ 755 đô thị năm 2010 lên 859 đô thị năm 2020 mật độ đô thị tăng từ 2,28 đô thị/1.000 km2 năm 2010 lên 2,59 đô thị/1.000 km2 năm 2020… Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch vùng đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có Quyết định số 313/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với quy hoạch ngành quốc gia, thực hiện Quyết định 995/QĐ-TTg ngày 9/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ đã tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ 38 nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia. Trên cơ sở đó, các bộ đang khẩn trương lập quy hoạch ngành quốc gia thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao. Đến nay, có 4 trên 38 quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt; 14 trên 38 quy hoạch ngành quốc gia hoàn thành lập quy hoạch, lấy ý kiến, trình thẩm định quy hoạch. Còn 20 trên 38 quy hoạch ngành quốc gia, các bộ đã báo cáo về tiến độ, kế hoạch cụ thể việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 119.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các giải pháp tại Nghị quyết 119 cơ bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từ đó tạo ra kết quả bước đầu như trên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai lập quy hoạch, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc như: tiến độ công tác này còn chậm; các bộ, ngành chậm trễ trong việc xây dựng Báo cáo về định hướng quy hoạch ngành quốc gia nên ảnh hưởng tiến độ, chất lượng lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản hướng dẫn chi tiết các luật, pháp lệnh sửa đổi một số điều liên quan quy hoạch chưa được thực hiện hoặc thực hiện chậm làm khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương khi áp dụng trong quá trình quy hoạch.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, các ý kiến tại hội nghị đánh giá, Nghị quyết 119/NQ-CP đã cơ bản tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản hướng dẫn các luật, pháp lệnh sửa đổi một số điều liên quan tới quy hoạch chưa được thực hiện hoặc thực hiện chậm, gây khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương khi áp dụng. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 có một số quy định mới, các địa phương phải mất thời gian để rà soát, bổ sung, hoàn thiện nội dung về bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh…
Chỉ đạo hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng này, nhấn mạnh hai điểm mấu chốt trong công tác lập quy hoạch là đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng quy hoạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trước hết các bộ, ngành, địa phương phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, khai thác, chỉ ra, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn.
Phải xác định công tác quy hoạch là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2022; quy hoạch phải bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, văn bản, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương để cụ thể hóa vào quy hoạch. Tăng cường sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan dân cử trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Quy hoạch cần phát huy cao độ tính độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, tự vươn lên của mỗi lĩnh vực, khu vực, địa phương và của cả quốc gia, kết hợp hài hòa giữa độc lập, tự chủ và đẩy mạnh hội nhập sâu rộng, giữa nội lực và ngoại lực, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá...
Nhân dịp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo nhiều giải pháp, theo đó, đối với giải pháp về tiến độ, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện Báo cáo định hướng quy hoạch không gian biển quốc gia trong tháng 3/2022; khẩn trương tổ chức lập quy hoạch, phấn đấu báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2022.
Các Bộ khẩn trương ban hành Báo cáo định hướng quy hoạch ngành quốc gia hoặc cung cấp Hồ sơ dự thảo quy hoạch ngành quốc gia thuộc thẩm quyền được phân công, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng tải trên Cổng thông tin quy hoạch trong tháng 3 này để các địa phương nghiên cứu, tham khảo trong quá trình lập quy hoạch tỉnh. Tập trung, khẩn trương tổ chức lập các quy hoạch ngành quốc gia thuộc thẩm quyền được phân công trên cơ sở bám sát lộ trình, tiến độ và kế hoạch đã đề xuất; đồng thời cam kết thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.