Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề phức tạp, gần đây đã được đẩy mạnh với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn; không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà coi trọng cả phòng, chống tiêu cực với trọng tâm là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Có suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống mới đẻ ra tham nhũng; biết giữ gìn liêm sỉ, đạo đức, lối sống thì không thể xảy ra tham nhũng.
Ngày 11-3, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về 2 đề án: Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2020; sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và Quy định xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp và phát biểu kết luận.
Dự họp, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng,… đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Về Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21 và Kết luận số 28, Bộ Chính trị đánh giá, hầu hết các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu đề ra được các cấp, các ngành và đảng bộ, chính quyền 13 tỉnh, thành phố trong vùng triển khai thực hiện hiệu quả. Mục tiêu nghị quyết đề ra cơ bản hoàn thành; tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đồng bằng sông Cửu Long, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng,…
Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thay Nghị quyết số 21. Với tư duy, quan điểm tầm nhìn phù hợp bối cảnh mới, nghị quyết xác định xây dựng đồng bằng sông Cửu Long phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, văn minh và bền vững, có bản sắc; là trung tâm kinh tế nông nghiệp hiện đại, năng động, hiệu quả trên cơ sở chuyển dịch nhanh mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, sử dụng hiệu quả nguồn nước, tài nguyên đất và phát triển các chuỗi cung ứng; là trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước.
Cần phát huy hiệu quả liên kết vùng, trong đó đột phá là hạ tầng giao thông, tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển chuỗi đô thị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân dân trong vùng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là nghị quyết của Bộ Chính trị, cần nêu rõ những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn; khẳng định vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long; xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời cần quan tâm việc đào tạo, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp.
Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục hoàn thiện, sớm ban hành nghị quyết và tổ chức hội nghị quán triệt triển khai thực hiện để thống nhất tư tưởng, nhận thức, đổi mới tư duy, thay đổi cách làm, không đi theo đường mòn, lối cũ, nhằm khơi dậy ý chí, quyết tâm xây dựng đồng bằng sông Cửu Long phát triển toàn diện, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Về Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 10, Bộ Chính trị đánh giá công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí được quan tâm, có bước đột phá trong phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống lãng phí dần đi vào nề nếp, hiệu quả hơn. Bộ Chính trị giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; xây dựng Đề án tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, trên cơ sở đó, xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới.
Tổng Bí thư nêu rõ, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề phức tạp, gần đây đã được đẩy mạnh với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn; không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà coi trọng cả phòng, chống tiêu cực với trọng tâm là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Có suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống mới đẻ ra tham nhũng; biết giữ gìn liêm sỉ, đạo đức, lối sống thì không thể xảy ra tham nhũng. Trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực là bao gồm cả đấu tranh phòng, chống lãng phí.
Bộ Chính trị thống nhất ban hành Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 10, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Về xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, theo quy định hiện hành được thực hiện theo Quy định số 7, năm 2018 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102, năm 2017 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Để phù hợp với tình hình thực tiễn và bảo đảm nguyên tắc kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét và quy rõ trách nhiệm của tổ chức, đồng thời xem xét trách nhiệm của từng cá nhân và ngược lại khi xem xét kỷ luật đảng viên phải xem xét đến trách nhiệm của tổ chức đảng quản lý đảng viên vi phạm.
Bộ Chính trị thống nhất ban hành Quy định mới về việc xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trên cơ sở gộp hai Quy định số 7 và Quy định số 102 đồng thời kế thừa những nội dung còn phù hợp và cập nhật đầy đủ chủ trương, quan điểm, nguyên tắc trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực mới được ban hành; bảo đảm đồng bộ, thống nhất các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quy định về việc xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm gồm 4 chương, 58 điều. Chương I: Quy định chung; Chương II: Xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm; Chương III: Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm và Chương IV: Điều khoản thi hành.
Tổng Bí thư cho rằng, đây là những vấn đề, nội dung rất quan trọng, cụ thể và đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục rà soát kỹ lưỡng tiếp thu ý kiến tại cuộc họp hôm nay để hoàn thiện, trình Bộ Chính trị…