Sáng 27/8, tại thành phố Lào Cai, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xúc tiến đầu tư vào Vùng với chủ đề “Tiềm năng-Cơ hội-Hợp tác phát triển”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Cùng dự và chủ trì có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.
Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn công bố Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 1/8/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; công bố Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 23/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía bắc do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Chủ tịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị. |
Nghị quyết số 11-NQ/TW đã xác định các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc phát huy thế mạnh, tiềm năng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội bền vững, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố vai trò “phên dậu” và “lá phổi” đối với đất nước của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong thời gian tới.
Để triển khai hiệu quả và sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong việc quán triệt, triển khai quyết liệt thực hiện Nghị quyết; cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện; phát huy vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ, tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ gắn với trách nhiệm của từng bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong Vùng.
Chương trình xác định, phấn đấu đến năm 2045, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, là hình mẫu phát triển xanh của cả nước |
Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định các mục tiêu và 21 chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của Vùng đến năm 2030, trong đó có một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng như: tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8-9%; quy mô kinh tế Vùng đến năm 2030 đạt 2.100 nghìn tỷ đồng: GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 140 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 2-3%/năm, 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng khoảng 54-55%,...
Chương trình cũng xác định, phấn đấu đến năm 2045, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.
Chương trình hành động đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau:
Đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW. Hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng, trong đó tập trung hoàn thành lập và phê duyệt quy hoạch Vùng và quy hoạch các địa phương trong Vùng; thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng; ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại và thông minh, gắn với phát triển các hành lang kinh tế.
Phát triển kinh tế nhanh, bền vững với trọng tâm là đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ và chuyển đổi số; phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh và tiềm năng của Vùng; đồng thời, tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.
Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển nhanh và bền vững Vùng. Tập trung nguồn lực và khuyến khích xã hội hóa thực hiện các cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội, chương trình hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ nhà ở gắn với thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên được cụ thể hóa thành 17 nhiệm vụ, đề án, 33 dự án hạ tầng giao thông kết nối thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 với sự phân công và lộ trình thời gian thực hiện rõ ràng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Vùng, giao cho các cơ quan chức năng xây dựng 3 đề án thí điểm trên địa bàn về phát triển khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới, thí điểm mô hình quản lý rừng bền vững dựa vào cộng đồng, thí điểm cơ chế chia sẻ nguồn nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự hội nghị. |
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Xuyên suốt quá trình này, Việt Nam xác định lấy con người làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của sự phát triển; phát huy tối đa năng lực, phẩm chất, trí tuệ con người Việt Nam; không hy sinh an sinh xã hội để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần. Nhân quyền lớn nhất là bảo đảm ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Việt Nam tiếp tục xác định phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, có sự phân công phối hợp để thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; văn hóa là nền tảng tinh thần; quốc phòng an ninh là thường xuyên và trọng yếu; chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
Nguồn lực nước ta còn có hạn, độ mở nền kinh tế lớn, nhưng tổng GDP còn có hạn, do đó cần huy động nguồn lực bên ngoài, tiếp thu, nâng cao năng lực quản trị, công nghệ, nâng cao năng lực con người, là những yếu tố quan trọng mang tính đột phá. |
Thủ tướng khẳng định, trên cơ sở đó phải thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tốt, thành viên có trách nhiệm, tích cực trong cộng đồng quốc tế; Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả với việc dựa vào nguồn lực bên trong và bên ngoài.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng, nguồn lực nước ta còn có hạn, độ mở nền kinh tế lớn, nhưng tổng GDP còn có hạn, do đó cần huy động nguồn lực bên ngoài, tiếp thu, nâng cao năng lực quản trị, công nghệ, nâng cao năng lực con người, là những yếu tố quan trọng mang tính đột phá. Điều quan trọng nhất là giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, qua đó, tạo lòng tin cho nhà đầu tư làm ăn, bảo toàn và phát triển vốn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính xác định một số trọng tâm, trọng điểm: kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó phát triển hạ tầng, giao dịch; thực hiện chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh là mệnh lệnh của trái tim, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi quốc gia, con người để ứng phó biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan.
"Chúng ta phải làm quyết liệt vấn đề này trên cơ sở điều kiện kinh tế của đất nước, khai thác tối đa lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió; Phát triển thương mại điện tử bởi đây là xu thế tất yếu của thế giới. Các bộ, ngành, địa phương phải nắm bắt được những vấn đề nền tảng này để vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, Thủ tướng nêu rõ, các Nghị quyết và chương trình hành động cho khu vực đã có; khu vực này có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có rất nhiều tiềm năng, thiên nhiên hùng vĩ, có bản sắc văn hóa vô cùng phong phú.
Thủ tướng đặt vấn đề tiềm năng của vùng lớn nhưng tại sao lại chưa phát huy được? Đó là cơ chế chính sách còn hạn hẹp, là do chính chúng ta. Phải xây dựng dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Cơ chế, chính sách phải do chính các địa phương làm. Chưa phát triển được cũng do các địa phương còn “trông chờ, ỷ lại” vào Trung ương, tính tự lực, tự cường chưa cao; chưa phát huy được tiềm năng to lớn của vùng, chưa biến tiềm năng thành nguồn lực.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong vùng phải tự tin để vươn lên phát triển; nhấn mạnh phải tự lực, tự cường, “đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất”, “biến tiềm năng thành động năng”, “biến không thành có, biến khó thành dễ”, tư tưởng phải “tiến công” chứ không phải “phòng ngự”. Chúng ta có khả năng để làm vì có đường lối đúng do Đảng hoạch định, có Nhà nước, Quốc hội hoạch định chính sách, nhân dân cần cù chịu khó, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đó là: tập trung làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, đầu tư cho hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng, tập trung vào tiêm chủng vaccine theo mục tiêu đã đề ra; Tập trung công tác quy hoạch vùng, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo.
Thủ tướng cũng yêu cầu quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy, đột phá, tầm nhìn chiến lược; Tập trung giải ngân cho đầu tư công, trong đó có các chương trình đầu tư trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Khẩn trương đầu tư các công trình hạ tầng chiến lược như các sân bay, đường giao thông.
Các địa phương trong vùng phải tự tin để vươn lên phát triển; nhấn mạnh phải tự lực, tự cường, “đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất”, “biến tiềm năng thành động năng”, “biến không thành có, biến khó thành dễ”, tư tưởng phải “tiến công” chứ không phải “phòng ngự”. |
Thủ tướng đồng thời yêu cầu:
Các địa phương phải tích cực triển khai, làm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực, không dàn trải; làm công khai, minh bạch. Huy động mọi nguồn lực đầu tư, lấy nguồn lực của Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt, huy động nguồn lực của xã hội, đẩy mạnh hợp tác công tư. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, phương pháp luận giải quyết.
Đẩy mạnh phát triển giáo dục đào tạo để nâng cao chất lượng nhân lực cho phát triển, nâng cao năng suất lao động. Đầu tư cho giáo dục và y tế chính là đầu tư cho phát triển. Chúng ta có thị trường nhưng nguồn lực lao động chưa đáp ứng nhân lực chất lượng cao.
Tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, bảo đảm “an ninh, an toàn, an dân”. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên. Xây dựng vững chắc khu vực phòng thủ về an ninh quốc phòng; phòng tuyến hợp tác và phát triển hợp tác kinh tế quốc tế sâu rộng. Chú trọng xây dựng đoàn kết nội bộ.
Thủ tướng nhấn mạnh, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào Vùng theo hướng đổi mới, thực chất, các doanh nghiệp “đã hứa, đã cam kết phải làm, làm bằng được”, hài hòa lợi ích, khó khăn chia sẻ. Thủ tướng mong qua hội nghị này, các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm, suy nghĩ, biến thành nguồn lực, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng.
* Trước giờ khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo đã cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh Trung du, miền núi phía bắc: Tiềm năng và cơ hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Theo NDĐT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin