Hiện nay, công tác phòng chống tiêu cực (TC) đã được Trung ương nâng lên một bước. Các quy định về kiểm tra, giám sát, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến TC ngày càng chặt chẽ, thể hiện sự quyết tâm, tinh thần quyết liệt, không có vùng cấm của Đảng và Nhà nước ta. Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được ban hành mới đây một lần nữa chỉ rõ các hành vi, biểu hiện của TC và cơ chế chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc tiêu cực.
Gần đây, các vụ việc TC lớn xảy ra tại một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã được phanh phui, xử lý. Đó là vụ Việt Á khiến 2 Ủy viên Trung ương Đảng, nhiều cán bộ trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành bị kỷ luật và truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó là các vụ TC gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Đó là vụ việc tiêu cực xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao… Tất cả đã dần được bóc tách, đưa ra ánh sáng, xử lý đúng người, đúng tội.
Dư luận nhân dân đánh giá rất cao sự chỉ đạo bài bản, quyết liệt trong phòng, chống TC từ Trung ương đến địa phương của Đảng, Nhà nước ta. Nhiều người cho rằng, việc nhận diện TC trước đây còn có lúc, có chỗ mơ hồ, khó nhận biết, việc xử lý TC còn có lúc nóng, lúc lạnh, thiếu cương quyết, thiếu tính hệ thống, nhưng nay, mọi thứ đều rất rõ ràng.
Hướng dẫn số 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, TC đã chỉ rõ đối tượng, nội dung chỉ đạo phòng, chống TC; các hành vi TC cần tập trung chỉ đạo phòng, chống; phạm vị, cơ chế phối hợp chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc TC.
Theo đó, có 19 hành vi TC cần tập trung chỉ đạo phòng, chống với các nội dung chính gồm: Nói, viết, thực hiện không đúng hoặc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các nguyên tắc, hoạt động của Đảng; không thực hiện hoặc thiếu nêu gương theo quy định; lợi dụng công việc liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác để trục lợi cá nhân; có tư tưởng “tư duy nhiệm kỳ”, cơ hội, vụ lợi, lạm quyền, chủ nghĩa cá nhân; quan liêu, xa rời thực tế; ban hành văn bản có nội dung trái với chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý; tặng quà, nhận quà dưới mọi hình thức dẫn đến việc quyết định có lợi riêng cho bản thân, gia đình, các tổ chức, cá nhân khác; có hành vi chạy chức, chạy quyền; kê khai tài sản không trung thực; can thiệp, tác động vào hoạt động thanh, kiểm tra để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm…
Trung ương cũng phân định rõ trách nhiệm chỉ đạo phòng, chống TC các cấp. Cụ thể, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, TC sẽ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc lớn, liên quan đến nhiều ban, bộ, ngành, địa phương; liên quan đến cán bộ cấp cao hoặc cán bộ, đảng viên bình thường nhưng gây mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng; các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp…
Ban Nội chính Trung ương sẽ theo dõi, đôn đốc các vụ án, vụ việc TC do Trung ương giao; các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp ngoài các trường hợp Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo…
Ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ theo dõi, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc TC liên quan đến cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý; các trường hợp nghiêm trọng, phức tạp được Trung ương giao và các vụ án, vụ việc khác thuộc thẩm quyền.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin