Ngày 2 tháng 9 năm 1945 là thời khắc ghi dấu sự kiện vô cùng trọng đại đối với lịch sử đất nước và dân tộc ta. Đó là ngày Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc - Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Đó là một văn bản tuyên bố cho Nhân dân cả nước và thế giới biết Việt Nam đã chính thức là một quốc gia độc lập. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự tay soạn thảo văn bản đặc biệt này.
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu |
Bản Tuyên ngôn Độc lập được viết súc tích, khoảng 1.000 chữ, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tầm nhìn ấy thể hiện ở việc đặt sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào quyền chính đáng chung của các dân tộc trên thế giới. Bác khẳng định tính chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và lập nên chế độ chính trị mới; tố cáo việc thực dân Pháp “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta” là những hành động “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đối tượng cách mạng Việt Nam cần đánh đổ để thiết lập chính quyền cách mạng vào mùa Thu năm 1945 là phát xít Nhật và chế độ quân chủ phong kiến. Tức là Người muốn nhấn mạnh sự thật là Nhân dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rằng, thực dân Pháp đang rắp tâm tái chiếm Việt Nam. Do đó, ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Người tuyên bố: “Chúng tôi - Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới - đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng quyết liệt chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp." Với bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt cơ sở pháp lý - lịch sử cho việc đấu tranh ngăn ngừa sự tái chiếm của thực dân Pháp.
Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc tại quảng trường Ba Đình, hiện lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. |
Bản Tuyên ngôn cũng thể hiện tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân tộc Việt Nam kiên cường đấu tranh cho quyền con người. Quan điểm độc đáo của Bác trong bản Tuyên ngôn Độc lập ở chỗ, Người đã gắn quyền con người vào quyền của dân tộc. Cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng chống giặc ngoại xâm và bè lũ tay sai, vì độc lập dân tộc là cuộc đấu tranh vì nhân quyền. Nước đã mất độc lập thì tất yếu dân cũng mất tự do, hạnh phúc; chừng nào nước vẫn còn giặc ngoại xâm chiếm đóng thì chừng đó không có gì là bảo đảm cho nhân quyền.
Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu bằng viện dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". |
Độc lập dân tộc, do đó, trở thành điều kiện tiên quyết để bảo đảm và phát huy quyền con người trong bất kỳ thời kỳ nào của cách mạng nước ta. Cũng chính vì vậy, sự nghiệp đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân Việt Nam do Đảng lãnh đạo là sự thống nhất biện chứng của các thành tố làm thành một thể thống nhất: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp và cuối cùng đi đến giải phóng con người.
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tố cáo sự vi phạm nhân quyền của đế quốc và chế độ phong kiến tay sai trên những lĩnh vực chính trị, kinh tế. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho Nhân dân ta một chút tự do, dân chủ nào. Chúng thi hành những luật dã man; chúng lập ra ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà và ngăn cản Nhân dân ta đoàn kết. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học; tắm các cuộc khởi nghĩa của chúng ta trong những bể máu. Chúng thi hành chính sách ngu dân, dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược. Về kinh tế, chúng bóc lột Nhân dân ta đến tận xương tủy, khiến cho nhân dân nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.
Bản Tuyên ngôn Độc lập đã tạo ra cơ sở để dân tộc Việt Nam không ngừng đấu tranh bảo đảm và phát huy quyền con người. Con người được sống trong một đất nước độc lập nhưng dân phải được hưởng tự do, ấm no, hạnh phúc. Đó chính là chất lượng cuộc sống của mọi người trong một chế độ mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một thông điệp về bảo đảm và phát huy quyền con người trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, dân vẫn đói rét thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì.
Những giá trị về quyền con người do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng trong bản Tuyên ngôn Độc lập là tầm nhìn chiến lược đúng đắn. Nhân dân Việt Nam, suốt từ ngày được độc lập với thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay đã không ngừng phấn đấu cho quyền con người và đạt được nhiều kết quả tích cực, rất quan trọng. Sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách và giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chứng tỏ Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm với tư cách là nước ký Công ước quốc tế về Quyền con người.
77 năm đã trôi qua, nhưng từng câu từng chữ trong bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn rọi sáng vào trái tim, khối óc của người Việt Nam yêu nước. Thông điệp, tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lời thề độc lập, tự do, hạnh phúc, lời thề đồng lòng, đồng sức từ mùa Thu lịch sử năm 1945 vẫn vang lên cho đến tận bây giờ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin