Tránh đầu cơ khi thực hiện quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô qua đấu giá

14:40, 26/10/2022

Sáng 26-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu.

Kho số hay biển số là tài sản công?

Bày tỏ nhất trí với chủ trương thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, kho số là tài sản công, biển số là của cá nhân nhưng Nghị quyết này đang coi biển số là tài sản công thì chưa phù hợp. Do đó, cần định nghĩa thế nào là số đẹp, phân chia các loại số đẹp, bởi nếu không có khái niệm về vấn đề này thì không tổ chức thực hiện được.

Đại biểu Trần Công Phàn (Đoàn Bình Dương) lường trước 2 vấn đề khó khăn khi thực hiện thí điểm. Đầu tiên, số nào sẽ được quyết định đưa ra đấu giá, trong dự thảo chưa đưa ra tiêu chí thế nào là biển số đẹp, thế nào là biển số xấu...

“Với nhiều người, số rất xấu thì lại rất đẹp, biển nào sẽ được quyết định đem ra đấu giá, ai sẽ quyết định đem ra đấu giá”, đại biểu đặt câu hỏi. Do đó, theo đại biểu, tiêu chí phải rõ, trong một dãy số phải có quy định những số nào là số đẹp để đem ra đấu giá.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) nhận định, khi người dân trúng đấu giá thì biển số đó là tài sản tư. Nếu xác định đó là tài sản công thì sẽ hạn chế một số quyền của người dân, như việc chỉ cho phép quyền chuyển nhượng, thừa kế, tặng, cho trong trường hợp biển đã gắn với xe. Còn nếu cho đó là tài sản tư thì phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Khi đó, biển số chưa gắn với xe cũng thuộc quyền sở hữu cá nhân, được cho, tặng, chuyển nhượng, thừa kế không gắn với xe”, đại biểu nói.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định, biển số là vật phụ gắn liền với vật chính là phương tiện ô tô và còn nhiều tranh luận về việc kho số là tài sản hay biển số là tài sản.

Nhận định việc nhu cầu sở hữu biển số đẹp là thực tế tồn tại lâu nay của người dân, có khi biển số đẹp được các cá nhân tự thoả thuận bán bằng giá trị của cả chiếc xe, đại biểu Dương Ngọc Hải (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nêu 3 vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng là bảo đảm công bằng, tương thích pháp luật và bảo đảm an ninh, trật tự khi cho phép lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Trong đó, với vấn đề bảo đảm công bằng, đại biểu cho rằng, nhiều người dân muốn sở hữu biển số đẹp nhưng không có tiền đấu giá. Họ hy vọng, khi cấp số ngẫu nhiên thì sẽ được biển số đẹp, như vậy có bảo đảm công bằng hay không?

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết quy định quyền sở hữu tài sản (biển số đẹp) nhưng trong vòng 12 tháng phải gắn với xe, không được cho, tặng, thừa kế là không hợp lý. Đại biểu cũng đề nghị, rút ngắn thời gian thí điểm để sau thời gian thí điểm, sẽ cân nhắc có quy định chính thức hoặc điều chỉnh để bảo đảm tương thích với hệ thống pháp luật.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nêu 3 chính sách trong dự thảo Nghị quyết còn vướng luật, cần trình Quốc hội xem xét, quyết định là: Luật Giao thông đường bộ cấm mua bán, chuyển nhượng biển số; Luật Đấu giá quy định phải có 2 người trở lên tham gia đấu giá; chính sách quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự. Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu thời gian thí điểm ngắn hơn, khi tiến hành sửa Luật Giao thông đường bộ thì có thể quy định luôn trong luật.

Cần xem xét đấu giá biển số mới, trả biển số cũ

Thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh (đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội) cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu vấn đề trong quá trình tổ chức đấu giá biển số xe đẹp, sẽ phát sinh tình huống người đã có xe ô tô, xe đã có biển số nay muốn đấu giá lấy biển số mới để đổi biển cũ thì có được phép hay không?

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Hải An (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị bổ sung quy định trong dự thảo luật về việc xe đã được cấp biển số, lưu hành rồi nhưng người chủ sở hữu muốn đấu giá biển số khác cho chiếc xe đó để tạo ra sự bao phủ toàn diện của dự thảo.

Về vấn đề một người có được đấu giá nhiều biển số xe không, đại biểu Vũ Huy Khánh (Đoàn Bình Dương) cho biết, dự thảo không giới hạn nhu cầu đấu giá. Tuy nhiên, sau khi sở hữu biển số xe qua đấu giá thì trong giai đoạn thí điểm chưa cho người đấu giá bán lại.

Về giá khởi điểm, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn Hà Nội) cho rằng, trường hợp chỉ quy định một mức giá chung thì mức 40 triệu đồng là hợp lý. Cũng theo đại biểu, biển số xe sau khi trúng đấu giá là tài sản của người dân nhưng cần làm rõ Nhà nước sẽ quản lý ra sao, chống đầu cơ như thế nào...

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) nhận định, cần có những phân hạng giá khởi điểm để sát với giá thị trường, giá phân khúc của từng nhóm biển số xe thì sau này, việc tổ chức đấu giá sẽ sát hơn, hiệu quả hơn và thu được lượng tiền lớn cho ngân sách hơn.

“Nếu chúng ta quy định một mặt sàn như thế này, tôi nghĩ đây sẽ là kẽ hở khi đấu giá. Bởi dù là thực hiện đấu giá hình thức trực tuyến nhưng như thời gian qua, chúng tôi nắm tình hình vẫn có trường hợp đấu thầu mang tính hình thức, trên thực tế đã biết ai sẽ là người trúng thầu. Do đó, nếu chúng ta không quản lý tốt, không có các quy định chặt thì rất dễ bị lợi dụng để thực hiện các hành vi sau này”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Đoàn Hà Nội) đề xuất, về nguồn thu từ đấu giá biển số xe, dự thảo đề xuất trung ương giữ 70%, địa phương 30%, nhưng do các địa phương có sự khác biệt, nên cần cân nhắc, nguồn thu này chi vào mục đích gì.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị bổ sung bước đấu giá cụ thể là 5 triệu đồng/bước giá; làm rõ việc những biển số nào được đưa vào đấu giá và biển số nào không đưa vào đấu giá; biển số đấu giá không thành công bao nhiêu lần thì đưa vào cấp bình thường; cơ quan soạn thảo cần cung cấp thông tin về đơn vị cung cấp dịch vụ đấu giá trực tuyến để Quốc hội xem xét...

Sáng cùng ngày, đại biểu Quốc hội cũng thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).

Theo Hà Nội mới