Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời nhiều chất vấn của đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên

Thu Hoài (Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh) 16:30, 04/11/2022

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 4-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng. Tiếp đó, Quốc hội thực hiện chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Tham gia chất vấn, đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) cho biết, Bộ trưởng đã nhiều lần phát biểu về vai trò và tầm quan trọng của nền tảng số xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là giải pháp đột phá để thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Đại biểu Lý Văn Huấn chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về giải pháp thúc đẩy xây dựng nền tảng số, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Về tình trạng “chảy máu” chất xám, đại biểu Lý Văn Huấn cho biết, những nhân tài lập trình, quản trị vì nhiều lý do, trong đó có lý do thu nhập, các doanh nghiệp nước ngoài trả gấp 5 lần, 7 lần, thậm chí 10 lần và trong khi tại các doanh nghiệp trong nước môi trường công tác, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu phát triển không đáp ứng. Vậy Bộ trưởng có những giải pháp gì để thu hút và giữ chân những nhân tài này? Câu hỏi này đại biểu Lý Văn Huấn cũng dành cho Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời đại biểu Lý Văn Huấn về nền tảng số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ đã xác định nền tảng số là giải pháp đột phá của chuyển đổi số Việt Nam. Nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trong thế giới thực. Nếu như chúng ta không làm chủ các nền tảng số Việt Nam, người dân Việt Nam sinh sống, làm ăn, vui chơi, giải trí trên các nền tảng số nước ngoài thì nguồn tài nguyên dữ liệu số sẽ bị thu thập.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt trọng tâm phát triển các nền tảng số. Theo đó, năm 2022 đã xây dựng xong và hoạt động khai thác 52 nền tảng số Việt Nam.

Về giải pháp đột phá, Bộ trưởng nêu rõ “có việc thì sẽ có người, có việc khó thì sẽ có người giỏi, có việc vĩ đại thì sẽ có người vĩ đại”. Lý giải cho câu nói này, Bộ trưởng chia sẻ, người ở đây được hiểu là cả người và doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông có trang web riêng để công bố các bài toán chuyển đổi số quốc gia cần lời giải ở cả mức Trung ương và địa phương; 1 trang web chuyên về các giải pháp số để giải quyết các bài toán số Việt Nam, mỗi năm đều tổ chức công bố, đánh giá, trao thưởng.

Bên cạnh đó, vấn đề “chảy máu” chất xám nhân tài công nghệ thông tin cũng là vấn đề được Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm bởi nhân tài là yếu tố quyết định trong việc làm chủ cũng như ứng dụng khoa học công nghệ.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp công nghệ cao Việt Nam trả mức lương tương đương với doanh nghiệp nước ngoài. Vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam có lợi nhuận và tạo ra giá trị gia tăng đủ cao để thu hút nhân tài hay không. Ngoài tác động của thị trường, Đảng và Nhà nước cũng có nhiều chính sách để thu hút nguồn nhân lực. Theo Bộ trưởng, cần đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút nhân tài để tạo động lực cho sự phát triển.

Tại Phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nguyên nhân và trách nhiệm của việc không triển khai được Chương trình “Máy tính cho em” với gói hỗ trợ 6.000 tỷ đồng; việc chậm thực hiện nội dung về thông tin truyền thông trong chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?

Ngoài ra, theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi Quốc hội, hiện chỉ còn 266 thôn, bản chưa có dịch vụ viễn thông di động. Đây là những nỗ lực rất lớn đáng ghi nhận của Ngành. Tuy nhiên, theo phản ánh của cử tri, còn rất nhiều vùng lõm ở các thôn, bản, điểm dân cư không có sóng hoặc sóng rất yếu, nhất là ở miền núi, biên giới, hải đảo.

Điều này đã hạn chế phát triển kinh tế - xã hội và cả công tác bảo đảm an ninh quốc phòng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết con số 266 thôn, bản có thực sự xác đáng không? Giải pháp để đầu tư, cải thiện hạ tầng thông tin ở các tỉnh khó khăn và với nguồn quỹ hỗ trợ thì khi nào các vùng lõm đủ sóng và sóng khỏe, đáp ứng nhu cầu của nhân dân?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lâm Thành về chương trình Máy tính cho em, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chương trình 1 triệu máy tính cho em thì có 600 nghìn máy tính bảng là nguồn lực xã hội hóa. Hiện nay là 500 nghìn máy tính bằng nguồn lực xã hội hóa. Chúng ta cũng đã tổ chức đánh giá hiệu quả của các máy tính đưa đến các em. Bộ Thông tin và Truyền thông đang làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thống nhất thời điểm đưa chính thức chương trình học trực tuyến trong lúc không còn dịch COVID-19.

Về vấn đề sóng vùng lõm, Bộ trưởng cho biết, theo các địa phương báo cáo, cả nước có 2.500 vùng lõm sóng, đến nay đã giải quyết 2.200 vùng. Đối với 300 vùng còn lại, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt kế hoạch trong đến hết năm nay hoặc đến Quý 1/2023 sẽ giải quyết. Tuy nhiên để phát hiện những điểm lõm về sóng phải do chính quyền địa phương báo cáo với Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đó Bộ tổng hợp, chỉ đạo thực hiện và hiện nay có Quỹ để phủ sóng vùng lõm.

Tranh luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao những đóng góp của ngành Thông tin và Truyền thông đối với công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, góp phần tạo được sự thay đổi rất lớn…

Tuy nhiên, với góc độ cá nhân cũng như một số đại biểu Quốc hội, đại biểu cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng là chưa thỏa đáng. Liên quan đến việc chậm trễ thi hành một số nội dung liên quan đến chương trình Sóng và máy tính cho em cũng như chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ trưởng chưa trả lời rõ vấn đề này.

Đại biểu cho rằng, Chương trình sóng và máy tính cho em trong bối cảnh mới cần phải được tiếp cận lại. Nó không chỉ là phục vụ cho vấn đề khi học trong điều kiện dịch mà còn tạo cơ hội học tập và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và xã hội số.

Đại biểu nhấn mạnh, cần phải làm rõ trách nhiệm trong vấn đề này. Nhiều vấn đề cần được xử lý để đáp ứng chuyển đổi số và xã hội số, kinh tế số trong điều kiện mới, đặc biệt là áp dụng cho vùng núi, dân tộc để hội nhập, giảm khoảng cách tốt nhất giữa các vùng địa hình.

Trả lời tranh luận của đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đính chính về số liệu liên quan đến chương trình Sóng và máy tính cho em 1 triệu máy, trong đó 600.000 máy là do các doanh nghiệp và cá nhân tài trợ, 400.000 máy sử dụng quỹ viễn thông công ích. Hiện nay 400.000 máy đang đồng bộ về chương trình học trực tuyến sau COVID-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Còn về nguồn ngân sách Quốc hội cho phép tăng thêm cho các bộ, ngành, địa phương để phát triển các dự án công nghệ thông tin, Bộ trưởng cho biết thực hiện quy định của pháp luật, theo đó các cơ quan Trung ương, địa phương đăng ký dự án với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. “Có chăng, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chưa đưa ra khuyến nghị với nguồn kinh phí này trọng tâm nên đặt vào đâu để mang lại hiệu quả”. Khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đưa ra những khuyến nghị cụ thể…

Về vùng lõm sóng, Bộ trưởng cho biết, khi địa phương phát hiện thì Bộ sẽ chỉ đạo, thời gian từ khi phát hiện đến khi hoàn thành nhiều nhất là trong 1 quý.

Về các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ đã triển khai rất nhiều văn bản và các văn bản hầu hết đều đúng hạn, chỉ có nội dung cuối cùng là đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin cho từng UBND cấp xã hay thực hiện tập trung. Với nội dung này, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn khuyến nghị Chính phủ thực hiện theo hướng tập trung.

Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 2. Tiếp đó, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực nội vụ.