Cần sự có mặt của chủ tịch UBND tại phiên đối thoại và phiên tòa

P.V 17:50, 08/11/2022

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 8-11, Quốc hội nghe các báo cáo về: Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022; Công tác năm 2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Công tác năm 2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Công tác thi hành án năm 2022; Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 và các báo cáo thẩm tra; thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022

Thảo luận về Báo cáo tư pháp và phòng, chống tham nhũng, đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) nêu nhiều kiến nghị. Báo Thái Nguyên lược ghi nội dung chính trong phần phát biểu của đại biểu Lý Văn Huấn tại Quốc hội ngày 8-11.

Đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) phát biểu tại phiên họp Quốc hội ngày 8-11. Ảnh: Lâm Hiển
Đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) phát biểu tại phiên họp Quốc hội ngày 8-11. Ảnh: Lâm Hiển

Trước hết, tôi nhất trí và đánh giá cao kết quả công tác của ngành Tư pháp trong năm 2022; các báo cáo đã thể hiện rõ tình hình tội phạm, tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Trước những khó khăn, diễn biến phức tạp của tội phạm, tranh chấp dân sự tăng 2,2%, khiếu kiện hành chính tăng 11% so với cùng kỳ, nhưng công tác điều tra, truy tố, xét xử vẫn hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Cụ thể, ngành Công an đã thực hiện việc phá án đạt 86,94%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,12%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,27%. Ngành Kiểm sát đã kiểm soát 100% tin báo, giải quyết của cơ quan điều tra, thụ lý, truy tố đúng thời hạn đạt 100%, truy tố đúng tội danh đạt 99,99%. Ngành Tòa án đã thụ lý xét xử số vụ án hình sự vượt 9,7%; án dân sự, hôn nhân gia đình vượt 9,07%; án hành chính vượt 12,7%.  Tỷ lệ vi phạm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử giảm rõ rệt. Đây là sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành Tư pháp.

Qua nghiên cứu các báo cáo của cơ quan tư pháp và qua tiếp xúc cử tri, tôi quan tâm đến 3 vấn đề sau:

Vấn đề thứ nhất, tội phạm về công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong xã hội. Thực tế, việc điều tra, khám phá loại tội phạm này chiếm tỷ lệ thấp và thường kéo dài.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song nguyên nhân chủ yếu và căn bản là tình trạng quản lý, sử dụng các tài khoản của các cá nhân, các tổ chức tín dụng chưa được chặt chẽ.

Cụ thể, việc mua bán các tài khoản vẫn diễn ra công khai trên mạng xã hội, dùng giấy chứng minh nhân dân giả để mua tài khoản, sau đó bán kiếm lời. Công tác quản lý của các tổ chức tín dụng trong việc phát hành các tài khoản cũng chưa chặt chẽ. Các đối tượng phạm tội đã sử dụng những tài khoản này để chuyển tiền nhằm hợp pháp hóa đồng tiền sau khi chiếm đoạt. Việc điều tra loại tội phạm này cũng rất khó khăn.

Vấn đề thứ hai, số đối tượng phạm tội là người bị tâm thần trong thời gian qua khá cao, chủ yếu là tội phạm xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, như tội cố ý gây thương tích và tội giết người. Các vụ án sau khi khởi tố, điều tra thường phải đình chỉ vì không cấu thành tội phạm. Nguyên nhân dẫn đến loại tội phạm này gia tăng chủ yếu là do công tác quản lý các đối tượng tâm thần còn hạn chế.

Vấn đề thứ ba, tình trạng chủ tịch UBND hoặc người đại diện của những người này không chấp hành quy định của Luật Tố tụng hành chính, không tham gia đối thoại, không tham gia các phiên tòa. Theo Báo cáo giám sát số 1203 ngày 29/9/2022 của Ủy ban Tư pháp, trong 3 năm (2019-2021) có tới 32,6% số phiên đối thoại; 27,8% số phiên tòa không có sự tham gia của chủ tịch UBND và những người đại diện hợp pháp của họ. Cá biệt có những địa phương, chủ tịch UBND và người đại diện của họ vắng 100% các phiên tòa cũng như phiên đối thoại. Có những trường hợp vắng không có lý do, dẫn đến phiên tòa bị kéo dài, gây bức xúc cho người khiếu kiện.

Để khắc phục các tồn tại nêu trên, tôi xin đề xuất một số giải pháp:

Một, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ việc phát hành các tài khoản; có chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp mua, bán tài khoản, làm giả giấy tờ để mở tài khoản tại ngân hàng. Mặc dù Bộ luật Hình sự đã có quy định nhưng tôi thấy chưa chặt chẽ, cơ chế chưa đảm bảo.

Hai, tăng cường công tác quản lý của các tổ chức tín dụng đối với các tài khoản đã phát hành, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ việc mở tài khoản của các tổ chức tín dụng.

Ba, ban hành quy định về cơ chế quản lý đối với các đối tượng tâm thần.

Bốn, đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các cấp khắc phục ngay những tồn tại được nêu trong Báo cáo số 1203 ngày 29/9/2022, quy định sự có mặt của chủ tịch UBND đối với các phiên đối thoại và phiên tòa.

Năm, chỉ đạo các cấp, ngành tiến hành tổng kết thi hành Luật Tố tụng hành chính và các văn bản pháp luật liên quan.