Chiều 14-7, tại Nhà Quốc hội, sau 2,5 ngày làm việc, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 24, hoàn thành chương trình đề ra.
Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp thứ 24. (Ảnh DUY LINH) |
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ cho biết: Tài liệu của phiên họp đã được các cơ quan hữu quan chuẩn bị kỹ lưỡng. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ tài liệu, cho ý kiến trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và các cơ quan khẩn trương ban hành các thông báo, các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung của phiên họp để các tổ chức, cơ quan hữu quan khẩn trương tổ chức thực hiện.
Ðồng thời lưu ý: đối với Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp này, đề nghị các cơ quan khẩn trương, rà soát, hoàn thiện, cố gắng trong vòng 1 tuần có thể ký chứng thực ban hành Nghị quyết, làm cơ sở cho các cơ quan và các địa phương tổ chức triển khai, bảo đảm tiến độ thời gian theo quy định. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan tiếp tục cập nhật, cho ý kiến, chuẩn bị cả về nội dung và cách thức để tổ chức kỳ họp thứ 6 thành công, đáp ứng được mong muốn và kỳ vọng của cử tri, nhân dân cả nước.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo Tổng kết kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Kỳ họp thứ 5 đã hoàn thành khối lượng công việc lớn trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Công tác lập pháp là nội dung trọng tâm của kỳ họp, được chuẩn bị khá công phu, chất lượng, tiến hành đúng quy trình, thủ tục theo quy định.
Các luật, nghị quyết được thông qua tạo cơ sở pháp lý quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Ðảng và tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về các lĩnh vực có liên quan. Các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình thông qua được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là có thêm 1 tuần giữa 2 đợt để chỉnh lý, giải trình đầy đủ, thấu đáo các ý kiến góp ý của đại biểu, nên được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận rất cao...
Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tế, dự kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến về 8 dự án luật khác. Dự kiến, Quốc hội khai mạc vào thứ hai, ngày 23/10/2023, bố trí 2 đợt họp...
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Ðoàn giám sát chuyên đề được thành lập theo Nghị quyết số 581/NQ-UBTVQH15 ngày 29/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Triển khai các nhiệm vụ được giao, Ðoàn Giám sát đã ban hành Kế hoạch, Ðề cương giám sát yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân, Ðoàn đại biểu Quốc hội phối hợp Hội đồng nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo; Trực tiếp giám sát tại 8 tỉnh, thành phố, làm việc với 5 bộ và một số cơ quan, đơn vị và cơ sở giáo dục có liên quan; Tổ chức tọa đàm, hội nghị tham vấn chuyên gia về các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát... Cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo tiến độ kế hoạch giám sát.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin