Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới giành từ tay thực dân Pháp và đế quốc Nhật, phải đối mặt ngay với rất nhiều thử thách, cam go. Bộ máy chính quyền chưa hoàn thiện. Cuộc rút lui chiến lược được xác định lâu dài với phương châm vừa kháng chiến, vừa kiến quốc chính là thế. Chính sử khẳng định rõ: Trong điều kiện so sánh lực lượng ta và địch rất chênh lệch, chúng ta buộc phải kháng chiến lâu dài.
Đoàn đại cán bộ, phóng viên của 2 Báo: Thái Nguyên, Hà Tĩnh thăm di tích đồi A1. Ảnh tư liệu |
Cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm bắt đầu vào ngày 19/12/1946. Hành trình về lại ATK Việt Bắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cuối năm 1946, đầu năm 1947 gồm: Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông - Hà Tây, nay là Hà Nội), Cổ Tiết (Phú Thọ), Hợp Thành (Tuyên Quang), Điềm Mặc (Định Hóa - Thái Nguyên). Cũng thời gian ấy, các cơ sở sản xuất, các cơ quan, đơn vị, một lượng không nhỏ đồng bào từ Hà Nội và các tỉnh miền xuôi... cũng đã tản cư lên Việt Bắc, Thái Nguyên.
Những làng bản thưa vắng xưa bỗng chốc đông đúc, sầm uất: phố Phúc Trìu, phố Quán Vuông, Chợ Chu, Ba Dăng, Cây Đa Đôi... trở thành phố thị mọc lên trên các nẻo đường kháng chiến. Cán bộ, bộ đội, dân công, văn nghệ sĩ về với kháng chiến ngày càng đông. Trên những nẻo đường của chiến khu Việt Bắc ngày đêm “Rầm rập như là đất rung”. Và, ngày 20/5/1947, Bác về đến đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa (Thái Nguyên), nơi được chọn xây dựng trụ sở của Chủ tịch nước và cũng là điểm dừng chân cuối của hành trình. Đồi Khau Tý rất phù hợp với yêu cầu về nơi làm việc của Bác: “Trên có núi, dưới có sông/Có đất ta trồng, có bãi ta chơi/Tiện đường sang bộ Tổng/Thuận lối tới Trung ương/Nhà thoáng gió, kín mái/Gần dân, không gần đường…”
Ông Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ tài chính của Chính phủ kháng chiến đã viết trong nhật ký của mình (và tôi- tác giả bài viết này may mắn có được cuốn nhật ký): Ngày 19/12/1946, lúc 16h, Võ Nguyên Giáp đến để nhận số tiền lớn dự trữ cho kháng chiến... 17h30, rời Hà Nội ra đi... Ngày 1/1/1947, trên đường lên chiến khu hay tin hai bên vẫn đánh nhau dữ lắm. Ta đánh theo lối du kích nên giặc không dễ gì lấn át… Từng trang nhật ký, ông Hiến đề cập đến hành trình về chiến khu, đồ sộ, phức tạp nhưng tràn đầy niềm tin. Ngày 2/4/1947: Hôm nay lại nhận được thơ Cụ (Bác Hồ) giục chuyên chở máy móc đi cấp tốc. Tình hình nghiêm trọng, quân địch có thể tấn công gấp rút. Hôm 27-2, bộ đội ta đã rút lui khỏi nội thành Hà Nội, việc truy sát là có thể...
Tại đồi Khau Tý (xã Điềm Mặc) - nơi ở và làm việc đầu tiên tại ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều cuộc họp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, thường xuyên có mặt các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ và Võ Nguyên Giáp. Cũng tại đây, cuối năm 1947, Bác đã hoàn thiện, cho in và phát hành cuốn “Sửa đổi lối làm việc” - tài liệu rèn luyện Đảng, Chính phủ và đó cũng là hoạt động kiến quốc đầu tiên - Kiến quốc trong công tác cán bộ. Bài thơ “Cảnh khuya” nổi tiếng cũng được Bác viết dưới trăng rừng Khau Tý: “Đêm khuya nhân lúc quan hoài/Lên câu thơ thẩn chờ ai họa vần/Tiếng suối trong như tiếng hát xa/Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà/Nước nhà đương gặp lúc cam go/Trăm việc ngàn công đều phải lo/Công việc nhờ anh em giúp đỡ/Sức nhiều thắng lợi lại càng to… Hình bóng Bác - Người cha của mọi nhà luôn in đậm trong trái tim, khối óc của đồng bào Việt Bắc, Thái Nguyên, như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:“Nhớ Người những sớm tinh sương/Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/Nhớ chân Người bước lên đèo/Người đi rừng núi trông theo bóng Người”.
Thực hiện chủ trương “Vừa kháng chiến vừa kiến quốc” của Đảng và Hồ Chủ tịch, căn cứ địa Việt Bắc ngày càng được củng cố về mọi mặt. Đến mùa hè năm 1947, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp được kiện toàn, chính sách giảm tô bắt đầu được thực hiện. Chợ búa, thị trấn, thị tứ kháng chiến mọc lên, tiền mới được phát hành, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, lương thực, thực phẩm phục vụ nhân dân và bộ đội. Có hơn 33.000 người tham gia du kích và tự vệ (có 400 du kích thoát ly); bộ đội địa phương có hơn 6.000 người. Với 11 trung đoàn, 4 tiểu đoàn, đây là nguồn lực rất quan trọng, cùng bộ đội chủ lực đánh bại hơn 2 vận quân Pháp tiến công lên Việt Bắc (ngày 7/10/1947) nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và kho tàng cơ quan của ta trong căn cứ địa, kết thúc chiến tranh bằng chiến lược tiến công chớp nhoáng. Chúng ta đã bẻ gẫy hướng tiến công thủy bộ của Pháp trên sông Lô và Tuyên Quang; đập tan cuộc tập kích bằng lính dù ở Bắc Kạn ngày 8-10 và La Hiên, Liên Minh (Võ Nhai - Thái Nguyên) ngày 15-10, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não kháng chiến.
Bộ đội ta kéo pháo lên các điểm cao |
Đánh giá chiến thắng của chiến dịch Việt Bắc thu - đông năm 1947, Hồ Chủ tịch chỉ rõ: “lòng yêu nước của đồng bào nhập với hình thế hiểm trở của núi sông thành một lực lượng vô địch, nó đã đánh tan cuộc tiến công của thực dân Pháp”. Người chỉ rõ nguyên nhân thắng lợi, đó là: Sự lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ, sự điều khiển khôn khéo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng chỉ huy, sự dũng cảm của tướng sĩ vệ quốc quân và dân quân du kích, sự hăng hái của toàn thể đồng bào. Sau chiến dịch Việt Bắc, địch ra sức càn quét, tăng cường phòng thủ, vùng tự do và vùng du kích ở Bắc Bộ bị thu hẹp, các địa bàn chiến lược và đường giao thông bị khống chế, việc thu mua vận chuyển gạo, muối, hàng hóa lên Việt Bắc rất khó khăn.
Để phá tan âm mưu của địch, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch chủ trương đẩy mạnh chiến tranh du kích, biến hậu phương địch thành tiền phương của ta, tổ chức các đợt tác chiến, nhằm “ Tiêu diệt địch, quét những đồn lẻ của chúng, bắt địch thu hẹp địa bàn, đuổi địch ra khỏi Việt Bắc, trước hết là Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai...”. Đồng thời, thực hiện giảm tô, chia ruộng đất cho dân nghèo ở vùng tự do, phát động phong trào Tăng gia sản xuất, Hũ gạo kháng chiến…
Nhìn chung, từ năm 1947 đến 1954, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, từ căn cứ địa Việt Bắc mà trung tâm là ATK Thái Nguyên, chúng ta đã giành thắng lợi trên khắp các chiến trường, Nhà nước, quân đội được hoàn thiện và lớn mạnh không ngừng…
(Còn nữa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin