Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Hai cụ thân sinh đều làm ruộng, sống ngay thẳng, nhân hậu và giữ nếp gia phong. Các anh chị em đều thương yêu đùm bọc lẫn nhau…
Ngày 30/12/2009, đồng chí Nguyễn Phú Trọng (trên cương vị Chủ tịch Quốc hội) thăm gia đình anh Nguyễn Văn Thái (đồng bào Công giáo), một hộ chăn nuôi lợn tiêu biểu ở xã Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên. Ảnh: T.L |
Cũng trong ngày 30/12/2009, đồng chí Nguyễn Phú Trọng tới thăm, động viên công nhân trực tiếp sản xuất tại Nhà máy Cán thép, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: T.L |
Với Thái Nguyên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều kỷ niệm. Năm 1947, mới 3 tuổi, ông theo gia đình tản cư lên Thái Nguyên chạy giặc. 3 năm sau, năm 1950, gia đình ông hồi cư về sống tại quê. Năm 1952, Nguyễn Phú Trọng bắt đầu đi học ông giáo trường làng - một ông giáo già đức độ nhưng nghiêm khắc. Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, quê hương giải phóng, Nguyễn Phú Trọng được đi học trong không khí hoà bình, ông học rất "sáng dạ" nên năm nào cũng đứng ở tốp dẫn đầu lớp…
Ngay từ nhỏ, ông đã rất thích văn học dân gian và thường ước mơ được theo nghề văn hoặc nghề báo. Ham học lại thông minh nên học hết lớp 10, ông thi đỗ ngay vào Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 1963-1967). Từ năm 1965 đến năm 1967, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên huyện Đại Từ (Thái Nguyên), Khoa Văn của Trường đóng tại xóm Tràng Dương, xã Vạn Thọ. Đó là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang hồi quyết liệt, nhưng thầy và trò Nhà trường vẫn nêu cao quyết tâm dạy tốt và học tốt.
Riêng ông, đây là lần thứ 2 được sinh sống tại Thái Nguyên, trong sự yêu thương, đùm bọc của đồng bào. Mái trường đại học đã chắp cánh cho ước mơ của ông. Ông được học Văn học - ngành mà ông hằng yêu thích. Ông đặc biệt say mê đọc, học thơ ca dân gian, truyện cổ dân gian, thơ Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Bính, Tố Hữu… những hồn thơ thấm đậm chất dân gian. Ông học vào loại giỏi, tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp và Đoàn Thanh niên.
Ngày 9/11/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm và làm việc với Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc huyện Phổ Yên (nay là TP. Phổ Yên). |
Ngày 7/12/1967, ông vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng ngay tại Tràng Dương, một điều rất hiếm đối với sinh viên thời bấy giờ. Đây cũng là dấu mốc quan trong trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng…
Trong hoạt động báo chí, tôi có 2 kỷ niệm, nói đúng hơn là được chứng kiến các hoạt động ý nghĩa, không thể nào quên. Là đồng môn Tổng hợp văn, lại là lãnh đạo báo Đảng địa phương sở tại nên tôi được mời dự buổi họp lớp, về nguồn của Ngữ văn khóa 8 (tôi học khóa 20) tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc… Tôi choáng ngợp về những tên tuổi của cuộc gặp: Nhà thơ Bế Kiến Quốc, Đỗ Bạch Mai, nhà báo Trường Phước, Vũ Huyến... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc ấy đã là Ủy viên Trung ương Đảng nhưng về với đồng môn chân tình, mộc mạc vô cùng.
Mấy chục năm gặp lại, đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhiều gian khó của những năm đầu hậu chiến, kẻ mất người còn nên tay bắt mặt mừng, ríu rít bạn bạn, tớ tớ hết sức cảm động. Tình nghĩa bạn thầy được những người có phông văn hóa cao thể hiện vừa sâu lắng, thâm trầm, vừa dung dị mộc mạc khiến hậu thế chúng tôi tự hào khôn tả.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác của Trung ương thăm gia đình cụ Nguyễn Trung Lựu, cán bộ tiền khởi nghĩa, sinh sống tại phường Ba Hàng, TP. Phổ Yên, ngày 10/1/2023. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà thành viên, người lao động Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên, ngày 10/1/2023. |
Chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 2005), Hà Nội và Thái Nguyên tiến hành một việc làm vô cùng ý nghĩa - Xây dựng đền thờ Bác Hồ trên đỉnh đèo De, thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Kinh phí cho xây dựng các hạng mục chính do Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội tặng Đảng bộ và nhân dân Thủ đô gió ngàn. Lễ khánh thành được tổ chức vào sáng 19/5/2005 với đền thờ to rộng, hoành tráng trên đỉnh đèo và lên đó phải leo qua 115 bậc.
Trước đó, Tòa soạn Báo Thái Nguyên có đợt tuyên truyền đặc biệt, ra những số báo đặc biệt, trong đó có bài phỏng vấn Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng. Chúng tôi đặt lịch với Văn phòng Thành ủy Hà Nội và được bố trí gặp Bí thư vào cuối buổi sáng.
Biết tiếng ông từ lâu nhưng đây mới là dịp được gặp tại Thủ đô nên anh em chúng tôi có phần lo lắng. Cán bộ văn phòng mời chúng tôi vào đợi ở phòng làm việc của Bí thư. Căn phòng làm việc của ông tại trụ sở Thành ủy Hà Nội thật đơn sơ, bình dị. Là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Ủy Hà Nội, phải xử lý biết bao công việc, nhưng ông vẫn nhận lời với chúng tôi. Rồi ông bước vào phòng, cử chỉ nhanh nhẹn, cởi mở, chân tình bắt tay từng người trong đoàn như đã từng thân quen từ lâu.
- Chào các nhà báo Thủ đô gió ngàn. Ta bắt đầu vào việc!
Với chất giọng trầm ấm, ông lần lượt trao đổi theo các vấn đề tôi nêu. Cuộc làm việc như những câu chuyện tự sự sâu lắng, tình cảm. Rồi ông kết thúc câu chuyện bằng mấy câu thơ Tố Hữu về tình cảm Thủ đô Hà Nội với Việt Bắc, Thái Nguyên; về trách nhiệm của Hà Nội, của Thái Nguyên trong bảo tồn và tôn vinh văn hóa, chăm lo đời sống nhân dân...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin