Nằm ẩn mình trong khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn, thuộc xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là địa điểm thứ 3, cũng là địa điểm cuối cùng đặt cơ quan đầu não của quân đội ta cho đến ngày chiến dịch toàn thắng. Tại đây, bằng tài thao lược quân sự của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tham mưu đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”
Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ dằm trong khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn, thuộc xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). |
Nơi ra đời những quyết định lịch sử
Quốc lộ 6 thênh thang dẫn chúng tôi về TP. Điện Biên Phủ trong vi vu gió núi, giữa âm hưởng hào hùng của khúc ca: “Qua miền Tây Bắc, núi vút ngàn trùng xa/ Suối sâu đèo cao, bao khó khăn ta vượt qua/ Bộ đội ta vâng lệnh Cha già”... Trên cung đường này, 70 năm trước, lớp lớp thanh niên, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong đã hồ hởi lên đường hành quân ra mặt trận với lời thề son sắt quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Từ cung đường ấy, vượt qua thung lũng Mường Phăng, nơi thảm lúa đang chín vàng, qua những bản làng người Thái, chúng tôi đến với Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo lời kể của hướng dẫn viên Lò Thị Thủy: Trong 105 ngày đóng quân tại Mường Phăng (từ ngày 31-1 đến 15-5), Sở chỉ huy Chiến dịch, đứng đầu là vị tướng lỗi lạc, tài ba của dân tộc - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phát đi những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, đập tan tập đoàn cứ điểm mà thực dân Pháp từng tuyên bố bất khả xâm phạm tại Điện Biên Phủ. Trong đó, không thể không nhắc đến quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Sau này, Đại tướng đã chia sẻ đó là “Quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tôi”.
Bia di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Cũng ở nơi này, ngày 6/5/1954, mệnh lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ đã được Đại tướng Võ Nguyễn Giáp phát ra chiến trường. Mệnh lệnh đó có đoạn: Thời gian quy định đúng 8 giờ 30, không được chậm. Đến 8 giờ rưỡi thì: Đồi A1 bộc phá. Pháo và H6 bắn tập kích lần thứ nhất. Bộ binh các hướng đều xung phong. Hàng Cung lập tức chế áp pháo địch. Các nơi phải lấy giờ cho đúng...
Sau mệnh lệnh lịch sử đó, ngày 7/5/1954, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công trên khắp mặt trận. Sau “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân ta đã tung bay trên nóc hầm Đờ-cát. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Mường Phăng hôm nay…
Trên con đường phủ một lớp mỏng rêu xanh, chúng tôi được thăm quan hệ thống lán, trại, hầm hào công sự của Sở Chỉ huy chiến dịch năm xưa. Từ đường hầm, những lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các thành viên Bộ Tổng tham mưu, hay đài quan sát, nhà hội trường có vách kết bằng phên nứa bện thêm cỏ tranh, bếp Hoàng Cầm... tất cả công trình đều được giữ gìn, bảo tồn gần như nguyên vẹn qua năm tháng.
Hòa cùng dòng người đến thăm di tích Sở Chỉ huy chiến dịch trong những ngày tháng 5 lịch sử, bà Nguyễn Thị Lệ, phường Phố Cò (TP. Sông Công) chia sẻ: “Mặc dù đã từng tìm hiểu nhiều về Chiến dịch Điện Biên Phủ qua sách báo, nhưng khi trực tiếp có mặt tại đây, tận mắt nhìn thấy những hiện vật, được nghe kể về những hy sinh, cống hiến của ông cha ta, tôi cảm thấy rất xúc động và tự hứa phải cố gắng làm việc, học tập để không phụ lòng các thế hệ đi trước”.
Các cựu chiến binh và du khách đến thăm di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ |
70 năm đã đi qua, diện mạo căn cứ địa cách mạng Mường Phăng hôm nay đang đổi thay từng ngày với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước. Tuyến đường vào xã được đầu tư, nhựa hóa, giúp cho việc di chuyển của nhân dân và du khách được thuận lợi hơn. Đầu năm 2020, xã Mường Phăng được sáp nhập về TP. Điện Biên Phủ. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để xã tiếp tục huy động mọi nguồn lực giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.
Mường Phăng hôm nay đang có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh, phá thế độc canh cây lúa khi phát triển nhiều mô hình chăn nuôi cá, gia súc, gia cầm. Toàn xã hiện có khoảng 520ha lúa 2 vụ; hơn 100 ha nuôi trồng thủy sản; 50ha cây ăn quả... Nhân dân xã Mường Phăng luôn đoàn kết, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế.
Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng: Sở Chỉ huy chiến dịch, Cụm tượng đài mừng công, Công viên Chiến thắng Mường Phăng…là các điểm di tích quan trọng, giúp địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Từ lợi thế này, nhiều gia đình trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình du lịch cộng đồng, kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, buôn bán các mặt hàng đặc sản của địa phương… Từ đó, đời sống, thu nhập của người dân ngày càng nâng lên. Toàn xã hiện chỉ còn 4 hộ nghèo trên tổng số 1.200 hộ toàn xã; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm. Từ đầu năm 2024 đến nay, Mường Phăng đã đón trên trên 20 nghìn lượt du khách đến tham quan - trổ cửa
Mường Phăng - vùng căn cứ địa hôm nay đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ. Người dân Mường Phăng kiên cường năm xưa nay lại tiếp tục trân trọng, gìn giữ các di tích lịch sử biến thành lợi thế để phát triển kinh tế; quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đời sống người dân ấm no hơn, xứng danh vùng đất lịch sử anh hùng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin