Ban liên lạc khóa 20 Khoa Văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) chúng tôi chọn địa điểm gặp mặt hội khóa nhân 45 năm ra trường (1979-2024) năm nay là về quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bí danh Văn) tại Quảng Bình. Nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Huế Hà Văn Lưỡng nêu ý kiến: Về với nơi ra đời và yên nghỉ của một người mà “Quốc sử lưu danh, lòng dân tạc tượng” vào dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ thì quá đỗi ý nghĩa.
Tấm biển chỉ đường mộc mạc như chính quê hương An Xá. |
Nắng sáng sớm đầu mùa như dát vàng trên những con đường về làng An Xá - một làng quê Việt Nam mà ngay cái tên cũng đã nói lên sự an lành và văn hóa. Một tấm biển chỉ đường giản dị, mộc mạc: “Đường vào nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Nhà của Đại tướng lừng danh thế giới thế này thôi ư? Có ai đó trong đoàn thầm thì như vậy. Ba gian nhà gỗ, mảnh sân, hàng cau trước cửa, cái bể đựng nước mưa vốn là hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam. Nhưng căn nhà này đã nuôi dưỡng những trái tim yêu nước, trí tuệ và bản lĩnh phi thường…
Ngôi nhà giản dị. |
Nơi hương án trang nghiêm giữa ngôi nhà cũng nhỏ gọn và giản dị. Vì Đại tướng, gia đình Đại tướng là của nhân dân nên hàng ngày cô cháu ngoại Nguyễn Thị Thu Hoài trông nom, dọn dẹp và đón khách dâng hương. Khi nghe nói nhân kỷ niệm 70 năm Đại tướng chỉ huy đánh thắng thực dân Pháp ở Điện Biên, chúng tôi muốn tri ân Người ở quê hương An Xá thì câu chuyện của Hoài chỉ xoay quanh cuộc đời binh nghiệp của cụ Giáp. Chị Hoài kể:
- Đại tướng được sinh ra từ làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, rồi học hành trở thành một nhà giáo. Được Bác Hồ giao trọng trách chỉ huy quân sự, bằng tài năng của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần quan trọng trong nhiều chiến thắng của quân dân Việt Nam. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chính thức được thành lập - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người trực tiếp chỉ huy đội quân này. Và khi chỉ vừa tròn 37 tuổi, ông đã trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội ta.
Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 sẽ còn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Trong mọi sự kiện, mọi chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam đều có sự đóng góp của Đại tướng. Tên tuổi của ông gắn liền với đội quân bách chiến bách thắng, biết đánh và biết thắng. Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như các lực lượng vũ trang nhân dân khác luôn tôn vinh Đại tướng là người anh cả…
PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Huế, vốn quê Quảng Bình, là thành viên của đoàn bổ sung:
- Ông là một nhà văn hóa lớn, là Bí thư Quân ủy Trung ương và là Đại tướng Tổng tư lệnh suốt 32 năm. Ông đã rèn luyện cho Quân đội nhân dân Việt Nam trở thành một đội quân cách mạng, mỗi người lính đều thấm nhuần tư tưởng nhân văn của văn hóa Việt Nam. Ông được nhiều nhà sử học, nhà quân sự trên thế giới đánh giá là vị tướng huyền thoại, một thống soái vĩ đại, một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại. Ông là một trong những vị tướng hiếm hoi trên thế giới, được chính những tướng lĩnh đã từng đối đầu trên chiến trường phải cảm phục. Nhân văn, đức độ, ông tỏa sáng như một bậc hiền nhân, bậc thánh nhân. Người đời đã nói về ông: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn!”.
Ông Võ Đại Hàm, cháu nội Đại tướng, chia sẻ: Ngôi nhà, mảnh vườn, hàng cau, bể nước được lưu giữ như bản thân vốn có để hình ảnh quê hương An Xá gần trăm năm trước khi “Cậu Võ” rời làng An Xá ra giúp nước nhà. Nhà lưu niệm để lưu giữ kỷ vật trận mạc của Đại tướng đang được tu sửa.
Tác giả dâng tặng Nhà lưu niệm cuốn sách ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Thái nguyên”. |
Còn tôi, thay mặt đoàn dâng hương rồi trao tặng Nhà lưu niệm cuốn sách ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Thái Nguyên”, xuất bản ngày 25/8/2011 nhân kỷ niệm Đại tướng 100 tuổi và tái bản tháng 10-2013, có bổ sung tình cảm thương tiếc của Đảng bộ và đồng bào ATK Thái Nguyên tiễn Đại tướng về trời. Cuốn sách ảnh có rất nhiều tư liệu hình ảnh quý do chúng tôi sưu tầm từ ATK Định Hóa… Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, cháu bên ngoại Đại tướng, tiếp nhận trong niềm xúc động của mọi người hôm ấy…
***
Dòng Kiến Giang đẹp, thơ mộng, êm đềm chảy giữa vùng quê An Xá trù phú, nổi tiếng với truyền thống yêu nước và văn hóa. Cây văn nghệ Trần Thị Thúy của đoàn tức cảnh mà cao giọng hát: “… Lệ Thủy trên dòng sông Kiến Giang dạt dào tình quê…”. Tôi và không ít nhà báo cùng đoàn lâu lắm rồi mới lại có dịp về thăm Lệ Thủy, ngắm dòng Kiến Giang, ngắm làng dệt chiếu An Xá rồi ngược mãi lên Rào Nậy, Rào Con nơi hợp lưu để có dòng Kiến Giang dài 60km, từ dãy Trường Sơn hùng vĩ uốn lượn xuôi xuống đồng bằng. Thị trấn Kiến Giang - trung tâm hành chính huyện Lệ Thủy quê hương Đại tướng, bây giờ đẹp lắm. Có câu thơ thế này:
“Kiến Giang trên bến dưới thuyền
Bên tả, chợ Tréo đi liền thơ ca
Chợ Chiều bên hữu quê nhà
Câu hò xứ Quảng vang xa trăm miền”.
Vâng! Vật đổi sao dời, thời gian cứ trôi mãi. Nhưng chúng ta tin rằng: Ngôi nhà đơn sơ, tiếng chuông chùa và dòng Kiến Giang sẽ vẫn còn đó - lưu giữ biết bao kỷ niệm của quê hương Lệ Thủy anh hùng, của vị Đại tướng lừng danh thế giới. Nơi đây đã trở thành điểm đến văn hóa, lịch sử để các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu hơn về những tấm gương cách mạng kiên trung, về quê hương - đất nước - con người đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong lịch sử Việt Nam.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin