Một người mang dòng máu Việt Nam nhưng sinh ra và có một tuổi thơ ở nước bạn Lào hiền hòa, lớn lên ở xứ sở chùa Vàng (Thái Lan), sau này được giác ngộ cách mạng, ông quay về Viêng Chăn gia nhập bộ đội ta cùng chiến đấu chống thực dân Pháp… Kết thúc cuộc đời binh nghiệp, ông đã chọn Thái Nguyên là điểm dừng chân. Ông là Lưu Đức Mậu, cựu chiến binh Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.
Đại tá Lưu Đức Mậu kể về cuộc đời binh nghiệp của mình. |
Vị Đại tá về hưu Lưu Đức Mậu hiện sống trong ngôi nhà nhỏ ở tổ 2, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên). Ở tuổi 88, sức khỏe của ông đã giảm sút rất nhiều, nhưng còn khá minh mẫn, sâu sắc trong câu chuyện đời thường, chỉ có điều khi nhắc về quá khứ xa xưa, ông đã quên đi nhiều kỷ niệm.
Để gợi nhớ, ông chậm rãi đưa chúng tôi lên phòng riêng trên tầng 2. Trong căn phòng nhỏ, tài liệu, sách vở và những tấm ảnh, kỷ vật… được ông lưu giữ cẩn thận. Trong đó, cuốn sổ bìa cứng màu xanh, ông ghi tóm tắt những mốc thời gian quá trình công tác được chúng tôi lưu ý hơn cả. Nhờ cuốn sổ này mà ông cũng đã “phác” lại một cách sơ lược về cuộc đời mình.
Ông kể: Tôi không biết gia đình tôi sang Lào sinh sống từ bao giờ nhưng tôi sinh ra ở Viêng Chăn. Hơn 10 tuổi, gia đình tôi sang Udon Thani, Thái Lan, sinh sống. Ở đây có cộng đồng người Việt sinh sống và là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn để hoạt động cách mạng những năm 1928-1929, sau thời gian dài tìm đường cứu nước ở châu Âu. Những tháng ngày ấy, Người đã truyền bá chủ nghĩa yêu nước và đường lối cách mạng cho kiều bào, được bà con một lòng tin yêu, kính trọng, đùm bọc. Sự tôn kính Bác cũng như lòng yêu nước, hướng về Tổ quốc của kiều bào ta nơi đó qua bao thế hệ cho đến nay vẫn không thay đổi.
Sống trong môi trường đó, được cộng đồng người Việt kể về Bác, về phong trào cách mạng đã dần hun đúc tình yêu nước, mong muốn được trở về góp sức đánh giặc, giành độc lập dân tộc trong chàng thiếu niên Lưu Đức Mậu. Bởi vậy đến năm 1950, anh đã vượt sông Mê-Kông sang Lào để được tham gia hoạt động cách mạng.
Thời gian đầu, vì chưa đủ tuổi nhập ngũ, nên ông làm liên lạc cho một đơn vị bộ đội ta khi ấy đang tập kết ở Mường Văng Viên (giáp Viêng Chăn). Đến năm 1953, ông xin nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị Bộ binh C137 đóng quân ở Thượng Lào. Năm 1956, ông trở về Việt Nam cùng đơn vị đóng quân ở vùng Tây Bắc. Từ đó, ông được cử đi học ở Trường Văn hóa Quân đội rồi Trường Đại học Bách khoa chuyên ngành xây dựng cầu đường.
Sau khi ra trường, từ năm 1967 đến 1970, ông lần lượt là Đại đội trưởng, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn, Tiểu đoàn trưởng thuộc Trung đoàn Công binh 217 (Bộ Tư lệnh Công binh) làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào. Sau này, ông trở về tham gia chiến đấu, kiến thiết ở nhiều đơn vị và giữ chức vụ khác nhau ở Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Từ năm 1977, ông làm chỉ huy một số trung, sư đoàn thuộc Binh đoàn 12 (Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn) làm nhiệm vụ xây dựng cơ bản, xây dựng thủy lợi, thủy điện, đường giao thông trên những địa bàn trọng yếu của Việt Nam và nước bạn Lào. Từ năm đến năm 1989, ông chuyển về công tác tại một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân khu 1 và về nghỉ hưu khi làm Chủ nhiệm Hậu cần, Trường Quân chính Quân khu 1, với quân hàm Đại tá.
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông Lưu Đức Mậu đã trực tiếp tham gia xây dựng nhiều căn cứ cách mạng bí mật, đặc biệt cho Quân đội, Nhà nước ta cũng như cách mạng Lào. Ông được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý như: Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Chiến sĩ giải phóng; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng… Ông cũng được Chính phủ Lào tặng: Huân chương Isala; Huân chương Chiến thắng; Huy chương chống Pháp, chống Mỹ…
Kể về Đại tá Lưu Đức Mậu, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh, luôn ấn tượng và kính nể. Ông coi Đại tá Lưu Đức Mậu như một người anh, người chiến sĩ, người con của hai nước Việt - Lào đầy bản lĩnh, đáng kính, đáng học tập từ trong chiến tranh đến cuộc sống đời thường. Ông nói: Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tá Lưu Đức Mậu, tôi cũng đã được nghe chính anh và người thân kể lại, khi chúng tôi đưa đoàn của Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh sang Thái Lan thăm khu di tích Bác Hồ tại Udon Thani (năm 2019) cũng gặp người thân của anh và được người dân nơi đây kể về gia đình. Chúng tôi rất xúc động.
Ông Thắng thông tin thêm: Trước đây, từ cuối những năm 2000, khi Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh chưa thành lập, anh Mậu là Trưởng Ban Vận động và luôn hoạt động năng nổ, tích cực. Sau này, Hội được thành lập (năm 2012), Đại tá Lưu Đức Mậu được Đại hội bầu làm Chủ tịch Hội. Anh Mậu luôn làm việc hết mình với tinh thần trách nhiệm cao, cảm thông, chia sẻ với anh em, đồng chí và tìm mọi cách giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn… Đến năm 2017, Hội tổ chức Đại hội lần thứ 2, anh Mậu xin nghỉ do tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng vẫn được Đại hội bầu làm Chủ tịch danh dự với 100% số phiếu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin