Tại Hội nghị triển khai công tác Đảng năm 2019 do Ban Tổ chức Tỉnh uỷ chủ trì, ông Trịnh Quốc Việt, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Đại Từ đã nêu ý kiến: Sau gần 8 năm triển khai, mô hình chi bộ quân sự (CBQS) xã, phường, thị trấn tỏ ra không phù hợp với đặc thù ở Thái Nguyên. Do vậy đề nghị cấp trên dừng hoặc có hướng dẫn điều chỉnh phù hợp với thực tế cơ sở.
Hoạt động cầm chừng
Để cụ thể nhận định của mình, ông Việt dẫn chứng bằng mô hình CBQS tại thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ). Thành lập năm 2011 gồm 4 đảng viên là: Bí thư Đảng uỷ kiêm Bí thư Chi bộ; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự là Phó Bí thư cùng 2 đảng viên là trung đội trưởng cơ động và thôn đội trưởng một xóm. Từ đó tới nay, chi bộ không phát triển thêm được đảng viên nào vì theo quy định thì không có nguồn. “Vai trò lãnh đạo không thực sự rõ nét, hiệu quả thấp. Công tác phối hợp lãnh đạo giữa CBQS với chi bộ ở cơ sở mang tính ràng buộc, thiếu chủ động. Việc tham mưu lãnh đạo của chi bộ về nhiệm vụ quốc phòng và quân sự địa phương chủ yếu do Ban Chỉ huy quân sự thực hiện dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy” - Đó là những hạn chế mà ông Việt chỉ ra. Nguyên nhân là số lượng đảng viên ít, không có nguồn để tập hợp thêm; bí thư phụ trách kiêm nhiệm, lực lượng dân quân không có đơn vị thường trực tập trung.
Tình trạng hoạt động cầm chừng, không thực sự rõ nét cũng tương tự với CBQS xã Hợp Thành (Phú Lương). Ông Phạm Văn Lượng, Bí thư Đảng uỷ kiêm Bí thư CBQS thông tin: Chúng tôi có 6 đảng viên, trong đó một đồng chí nguyên là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự nay đã chuyển sang làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh nên theo điều lệ sẽ phải chuyển sinh hoạt. Công tác quân sự nói chung đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ, các công việc thường xuyên do UBND điều hành nên vai trò của CBQS còn lại rất mờ nhạt. Thực tế nghị quyết hằng tháng của chi bộ cũng không có nhiều nội dung, trong năm chỉ có đợt tuyển quân và huấn luyện dân quân sự vệ là tạo được chút dấu ấn. Nói về cái khó của bản thân mình, ông Lượng nói: Là bí thư CBQS nên tôi không tham gia sinh hoạt ở nơi khác nữa, việc quán xuyến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của toàn xã đôi lúc bị ảnh hưởng.
Khảo sát tại các CBQS trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy bức tranh chung là hoạt động chưa thực sự hiệu quả do nhiều vướng mắc, chồng chéo trong quy định. Có thể nêu thêm một số bất cập là: Chủ tịch UBND cấp xã với vai trò là Chủ tịch Hội đồng nghĩa vụ quân sự, người đứng đầu chịu trách nhiệm về kết quả công tác quân sự - quốc phòng ở cơ sở nhưng theo hướng dẫn lại không tham gia sinh hoạt CBQS. Từ đó khó nắm bắt, tham mưu, đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ liên quan. Kế đó, bí thư CBQS cấp xã lại do chi bộ bầu. Đặt giả sử trường hợp là bí thư đảng ủy xã nhưng khi đưa ra bầu tại CBQS mà không trúng sẽ rất khó xử lý.
Cần xem xét, có hướng dẫn phù hợp
Bàn về vấn đề này, ông Lê Danh Khiêm, Bí thư Đảng uỷ kiêm Bí thư CBQS phường Ba Hàng (T.X Phổ Yên) ý kiến: Mô hình triển khai ở tỉnh ta đã 8 năm, đủ dài để nhận định rõ những ưu điểm và hạn chế. Vì là làm điểm nên nếu xem xét nếu đánh giá hiệu quả thì nên nhận rộng, còn không phù hợp thì có thể dừng. Cá nhân tôi cho rằng, mô hình này chỉ phù hợp với những địa phương đặc thù có dân quân thường trực, lực lượng cơ động chuyên trách trong thời chiến hoặc ở vùng biên giới, hải đảo.
Phân tích rõ hơn, ông Đàm Tiến Niên, Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Định Hoá cho hay: Vì không có lực lượng dân quân thường trực nên việc phát triển đảng viên khó và tổ chức sinh hoạt ở CBQS có nhiều hạn chế. Cụ thể, bí thư và phó bí thư chi bộ hiện là cấp uỷ xã, trong khi đảng viên dù thuộc CBQS nhưng lại chủ yếu sinh hoạt, lao động sản xuất tại nơi cư trú. Một số người còn đi làm ăn xa nên ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng tham gia sinh hoạt. Thực tế này còn dẫn đến một hệ quả khác là bình xét, xếp loại đảng viên hằng năm thiếu khách quan bởi chỉ đánh giá về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự trong khi phần lớn thời gian họ lại sinh hoạt tại xóm, tổ dân phố.
Về giải pháp, ông Đàm Tiến Niên đề xuất: Do không phù hợp với thực tế ở Thái Nguyên nên có thể xem xét dừng mô hình này, chuyển đảng viên về sinh hoạt ở khu dân cư hoặc khu vực nào phù hợp. Ông Lê Danh Khiêm, Bí thư CBQS Ba Hàng thì nêu: Mô hình này không tốn thêm kinh phí, phụ cấp của Nhà nước vì thành viên chi uỷ đều kiêm nhiệm, nhưng ở Thái Nguyên thì việc duy trì đang bị chồng chéo không cần thiết. Trước mắt khi chưa có sự chỉ đạo của cấp trên, để nâng cao hiệu quả hoạt động của CBQS thì các buổi sinh hoạt định kỳ nên mời chủ tịch UBND xã tham gia. Đảng viên CBCS cần nắm bắt các vấn đề về kinh tế - xã hội ở địa phương chứ không chỉ quan tâm đến quân sự. Về lâu dài, đề nghị Ban Tổ chức Trung ương xem xét, có hướng dẫn cụ thể và phù hợp hơn về vấn đề này.
Thực hiện Hướng dẫn số 35-HD/BTCTW ngày 19/10/2009 của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 91-CV/TU ngày 10/5/2011, chỉ đạo mỗi huyện, thành phố, thị xã lựa chọn thí điểm thành lập 1 chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn. Đến nay, toàn tỉnh đang duy trì có 9 CBQS, 9/9 đồng chí bí thư đảng ủy là bí thư chi bộ. Đối tượng lãnh đạo của CBQS là ban chỉ huy quân sự cấp xã, trung đội dân quân cơ động, tiểu đội dân quân và đơn vị dự bị động viên. |