Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), cấp ủy các cấp trong toàn tỉnh đã cụ thể hóa việc thực hiện nghị quyết với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trên tinh thần “tự soi, tự sửa” đã từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ban hành đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Trước đây, các biểu hiện vi phạm này của cán bộ, đảng viên đã có, tuy nhiên việc kiểm điểm, đánh giá cuối năm của nhiều chi bộ còn lúng túng vì chưa có văn bản cụ thể hóa nội dung vi phạm. Như vậy, sau khi Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết Trung ương 4, các tổ chức đảng, đảng viên (TCĐ, ĐV) đã nhận diện rõ và đúng hơn về bản thân mình.
Sau khi có hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 một cách cụ thể, gắn với những đặc điểm thực tiễn của địa phương. Đáng chú ý, chương trình hành động của Tỉnh ủy được xây dựng trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Xác định rõ những tiêu chí để đồng thời nêu rõ nhiệm vụ và các bước cần thực hiện trong lộ trình từ tỉnh đến cơ sở. Gắn với mỗi cương vị, trách nhiệm mỗi đồng chí cán bộ, đảng viên đều có thể thực hiện nội dung nghị quyết một cách đầy đủ nhất.
Việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hằng năm ngoài kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ rõ kết quả khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được cấp có thẩm quyền kết luận hoặc được chỉ ra ở kỳ kiểm điểm trước; những vấn đề được gợi ý kiểm điểm (nếu có). Khi kiểm điểm phải làm rõ trách nhiệm của tập thể và mỗi thành viên, nhất là người đứng đầu trong từng hạn chế, khuyết điểm của tập thể và đề ra biện pháp khắc phục có tính khả thi.
Thông qua việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình (TPB, PB), đánh giá xếp loại chất lượng TCĐ, ĐV hằng năm là dịp để các cấp ủy, TCĐ, tập thể lãnh đạo từng cơ quan, đơn vị và cá nhân tự soi lại mình, từ đó phát huy ưu điểm, đề ra giải pháp khắc phục hạn chế để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và mỗi đảng viên. Nhìn chung, công tác chuẩn bị kiểm điểm và đánh giá xếp loại chất lượng được các cấp ủy, TCĐ, ĐV, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và từng cá nhân đảng viên, lãnh đạo quản lý cơ bản thực hiện nghiêm túc. Trước khi kiểm điểm, từng cá nhân chuẩn bị bản kiểm điểm, tự chấm điểm và tự liên hệ nhận diện 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Các cấp ủy, TCĐ, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp chuẩn bị báo cáo kiểm điểm của tập thể, gửi trước cho các thành viên tham gia hội nghị kiểm điểm ít nhất trước 3 ngày làm việc.
Đơn cử như ở Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh với 73 tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) trực thuộc với gần 5.300 đảng viên, việc thực hiện kiểm điểm, đánh giá xếp loại cuối năm đối với tập thể cấp ủy, cá nhân cán bộ lãnh đạo quản lý, đảng viên đều gắn với tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Chỉ thị số 05-CT/TW và Quy định số 11-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Kết quả phân loại TCCSĐ năm 2020, có 19 TCCSĐ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 53 TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ; 1 TCCSĐ hoàn thành nhiệm vụ. Về xếp loại chất lượng 65 tập thể cấp ủy cơ sở trực thuộc có 19 đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 45 đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ và 1 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Về phân loại đảng viên, có 5.198 đảng viên được đánh giá xếp loại, trong đó có 86 đồng chí hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 1,65%); 28 đồng chí không hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 0,53%). Tuy tỷ lệ TCCSĐ, tập thể cấp ủy, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ thấp, song vẫn được cấp ủy các cấp gợi ý kiểm điểm sâu để các tập thể, cá nhân nghiêm túc kiểm điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được cấp có thẩm quyền kết luận hoặc chỉ ra, đồng thời xây dựng các giải pháp khắc phục sửa chữa.
Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại TCĐ, ĐV và tập thể, cá nhân, cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp những năm qua trên địa bàn tỉnh về cơ bản được thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ. Việc thực hiện đánh giá, xếp loại đối với TCĐ, ĐV hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo đúng tỷ lệ quy định không vượt quá 20%. Để đánh giá chính xác chất lượng TCĐ, ĐV, các cấp ủy còn thực hiện lấy ý kiến của các chủ thể tham gia đánh giá chất lượng theo đúng hướng dẫn của cấp trên. Qua đó, làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định xếp loại chất lượng TCĐ, ĐV và làm cho việc xem xét, công nhận chất lượng này bảo đảm khách quan, thực chất, khắc phục bệnh thành tích.
Để nâng cao chất lượng TCĐ, ĐV, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 được Tỉnh ủy đề ra là tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và các quy định nêu gương. Triển khai xây dựng và ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chủ chốt các cấp đủ năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” và Đề án “Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, giai đoạn 2021-2025”. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, với những quy định, tiêu chí cụ thể nhằm lượng hóa trong đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên, các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục nêu cao tinh thần “tự soi, tự sửa” nhằm ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ trong toàn tỉnh.