Trong các cuộc họp tại một số địa phương của tỉnh về công tác xây dựng Đảng thời gian qua, chúng tôi được thông tin về tình trạng không ít đảng viên nghỉ hưu ở khu dân cư không tham gia sinh hoạt Đảng.
Đảng viên Đào Sơn (bên phải) năm nay 94 tuổi, 76 năm tuổi Đảng, vẫn tích cực tham gia sinh hoạt và có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng Đảng ở Chi bộ 4, Đảng bộ phường Hương Sơn (TP. Thái Nguyên). |
Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng đáng buồn là tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng sau khi nghỉ hưu diễn ra khá phổ biến ở cả nông thôn lẫn thành thị trong tỉnh. Thực tế, nhiều lần đi tác nghiệp ở các địa phương, chúng tôi được đội ngũ cán bộ cơ sở phản ánh: Bên cạnh nhiều đảng viên tuổi cao vẫn tích cực tham gia sinh hoạt Đảng và là nòng cốt trong các phong trào, hoạt động ở khu dân cư, còn một số đảng viên nghỉ hưu nhưng nhưng lại lẳng lặng cất hồ sơ không làm các thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng về nơi cư trú. Hoặc có trường hợp chuyển hồ sơ Đảng về nhưng làm đơn xin miễn sinh hoạt.
Qua trao đổi với những cán bộ làm công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, chúng tôi được thông tin thêm: Khi cấp uỷ địa phương tìm hiểu, đến gặp, trao đổi với một số đảng viên nghỉ hưu không tham gia sinh hoạt, họ viện lý do như sức khoẻ không đảm bảo (dù vẫn khoẻ mạnh), phải làm kinh tế (trong khi có lương hưu khá cao) hay phải trông cháu.
Ngoài ra, số đảng viên về hưu “ngại” sinh hoạt Đảng, không nộp giấy giới thiệu để chuyển Đảng về chi bộ là do sợ bị giao phụ trách các công tác như bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố hay chi hội trưởng các đoàn thể... sẽ mất nhiểu thời gian.
Một số bí thư chi bộ còn trao đổi thẳng thắn với phóng viên: Trường hợp đảng viên A., B. ngay khi nghỉ hưu, cấp uỷ đã tới nhà vận động làm trưởng ban công tác mặt trận nhưng bị từ chối. Lý do họ không nói thẳng ra nhưng chúng tôi nắm được do khi công tác, họ ở cương vị lãnh đạo cao nên lúc nghỉ hưu không muốn làm người “vác tù và hàng tổng”, bị người khác “chỉ đạo”.
Ngoài việc một số đảng viên nghỉ hưu không sinh hoạt Đảng ở địa phương, hiện nay còn tình trạng số ít đảng viên viết đơn xin ra khỏi Đảng vì không có thời gian tham gia (có một chi bộ ở đô thị có tới 3 đảng viên viết đơn xin ra khỏi Đảng). Cá biệt, không ít trường hợp đảng viên trẻ cố tình không tham gia sinh hoạt, không đóng Đảng phí để tự mình “loại” ra khỏi tổ chức đảng, bị xoá tên khỏi Đảng. Tại các đảng bộ cấp huyện, thành của tỉnh hàng năm, quá trình rà soát, sàng lọc đảng viên đều thống kê con số đảng viên bị xoá tên do bỏ sinh hoạt và không đóng đảng phí đầy đủ theo quy định của Điều lệ Đảng.
Hiện tượng, dù chiếm tỷ lệ nhỏ, đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng khi tuổi còn trẻ hoặc sau khi nghỉ hưu như hiện nay trên địa bàn tỉnh cho thấy biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng. Tình trạng này ít nhiều đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chi bộ cũng như uy tín của Đảng, gây tác động xấu đến mục tiêu, lý tưởng phấn đấu trở thành đảng viên của các quần chúng ưu tú, nhất là thế hệ trẻ. Điều này đòi hỏi các cơ quan làm công tác tổ chức của Đảng trong tỉnh cần sớm có những giải pháp khắc phục, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin