Đẩy mạnh sản xuất để chi viện cho chiến trường

TNĐT 10:27, 01/10/2023

Sau ngày đế quốc Mỹ tạm ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, quân và dân Thái Nguyên tập trung thực hiện cuộc vận động chính trị “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” theo tinh thần Nghị quyết 175 của Bộ Chính trị Ban Chấp Hành Trung ương Đảng.

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, vụ mùa năm 1968, tuy có thuận lợi do địch tạm ngừng đánh phá nhưng lại gặp khó khăn do trận lũ lụt tháng 8-1968, làm úng ngập hơn 6.000 héc-ta, trong đó có tới 2.949,4 héc-ta lúa bị hỏng hoàn toàn.

Trước tình hình đó, Thái Nguyên huy động cán bộ phòng, ban, các cơ quan dân, chính, đảng trực tiếp xuống cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo khôi phục và phát triển sản xuất.

Việc đưa các giống lúa mới có năng suất cao vào gieo cấy đã được coi trọng. So với tổng diện tích lúa, diện tích giống lúa mới có năng suất cao ở Đại Từ đạt 64%; thành phố Thái Nguyên đạt 50,4%; các huyện: Định Hóa, Phú Lương đều đạt trên 40%.

Năm 1968 so với năm 1965, năng suất lúa cả năm ở huyện Võ Nhai tăng 14,98%; thành phố Thái Nguyên tăng 36%; Phú Lương tăng 8,96%; Phổ Yên tăng 7,59%; Đại Từ tăng 14,08%...

Nhờ sản xuất phát triển, đời sống từng bước được cải thiện, nên năm 1968, so với chỉ tiêu được giao, nhân dân Thái Nguyên đã đóng góp cho Nhà nước vượt 49 tấn thóc và 70 tấn thịt lợn hơi.

Các năm 1969, 1970, sản xuất lương thực, thực phẩm của Thái Nguyên đều tăng cả về năng suất và sản lượng. Năm 1970, Thái Nguyên có 21 xã, hợp tác xã đạt năng xuất từ 5 tấn thóc trở lên trên 1 héc-ta ruộng cấy lúa hai vụ (trong đó, huyện Đại Từ có 4 xã, hợp tác xã; huyện Phổ Yên có 3 hợp tác xã; thành phố Thái Nguyên có 8 xã, hợp tác xã; huyện Định hóa có 3 xã, hợp tác xã; huyện Phú Bình có 3 xã, hợp tác xã).

Năm 1970, Thái Nguyên có sản lượng ngô, lúa đạt 110.220 tấn, đàn trâu và bò đạt 90.325 con, đàn lợn đạt 130.916 con.

Sản xuất lâm nghiệp của Thái Nguyên cũng có những bước chuyển biến, tiến bộ; số lao động tăng từ 1,18% (năm 1968), lên 6% (năm 1970). Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp cũng có những kết quả mới. Các mặt văn hóa, y tế, giáo dục tiếp tục phát triển. Bình quân trên địa bàn Thái Nguyên, cứ 3,3 người dân có 1 người đi học; 1.546 người dân có 1 y sĩ hoặc bác sĩ. Tỷ lệ tử vong giảm từ 0,54% (năm 1964) xuống còn 0,33% (năm 1969).

Sau Tết Mậu Thân 1968, công tác tuyển quân chi viện cho chiến trường của các tỉnh, thành phố miền Bắc hết sức khẩn trương, cấp bách. Từ năm 1968 đến năm 1972, Thái Nguyên đã huy động được 22.940 người vào bộ đội. Với thành tích này, tỉnh được tặng thưởng 1 Huân chương Kháng chiến hạng Ba…