Ông Tiến môi trường

Phạm Ngọc Chuẩn 16:18, 23/09/2023

Từ hơn 5 năm nay, ông Trần Văn Tiến, 68 tuổi, ở xóm Rừng Vần, xã La Bằng (Đại Từ), được nhiều người dân trong vùng gọi bằng cái tên trìu mến "ông Tiến môi trường". Bản thân ông cũng thấy thú vị khi được bà con nhân dân, nhất là khách du lịch, gọi bằng cái tên này.

Hằng ngày ông Trần Văn Tiến đi dọc khu suối Kẹm để vận động du khách tham gia bảo vệ môi trường.
Hàng ngày, ông Trần Văn Tiến đi dọc suối Kẹm để vận động du khách giữ gìn vệ sinh môi trường.

Mỗi ngày, mưa cũng như nắng, ông Tiến đều có mặt ở dòng suối Kẹm, nơi có đông đảo nhân dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm để được sống gần gũi với thiên nhiên. Ông có mặt ở đó để làm một công việc hết sức ý nghĩa, đó là hướng dẫn khách tham quan đi lại an toàn và nhắc nhở mọi người để rác đúng nơi quy định, cùng chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường.

Ông Tiến chia sẻ: Nhà tôi ở gần suối Kẹm, nên mỗi khi rảnh rỗi lại ra suối ngắm cảnh. Nhiều lần tôi đi ngược dòng suối, mất cả ngày mới lên đến đầu nguồn. Khung cảnh suối Kẹm đẹp nên cái chân không thấy mỏi. Nhưng tôi thấy trong khu vực có nhiều rác thải vứt bừa bãi, chủ yếu là chai lọ, túi bóng, giấy gói thức ăn… Mỗi lần như vậy, tôi tiện tay gom nhặt lại để không mất cảnh quan dòng suối quê hương.

Suối Kẹm được bắt nguồn từ dãy núi Tam Đảo. Trước khi mang dòng nước mát lành tưới tắm cho những cánh đồng phì nhiêu của huyện Đại Từ, dòng suối Kẹm thả trôi theo triền dốc, với những “quần thể đá” lớn nhỏ, lô xô tạo dáng dưới tán rừng. Dọc 2 bên bờ, nhiều đoạn có bãi đá cuội tròn trịa, lại bất chợt bên suối có bãi cỏ xanh rờn. Dưới lòng Kẹm có đá đứng, đá ngồi và lô xô im lìm dưới dòng nước trong mát. Có chỗ đá như dồn lại thành bãi thoải dốc, chỗ lại như choãi ra tạo thành một bụm nước lớn. Cảnh vật thiên nhiên hòa quện tạo thành bức tranh sơn - thủy hữu tình ẩn khuất trong rừng Quốc gia Tam Đảo.

Bức tranh ấy được những người ưa chinh phục, khám phá tìm đến, phát hiện ra một miền thiên nhiên kỳ thú, nên dẫn bạn bè về thưởng ngoạn. Tiếng lành đồn xa, dòng Kẹm như nàng sơn nữ bừng tỉnh, chào đón bạn bè muôn phương. Đông vui nhất là những tháng Hè đầy nắng. Hội lớp, hội nhóm và từng đoàn khách theo nhau tìm về suối Kẹm. Với mong muốn du lịch gần gũi với thiên nhiên, nên hầu hết người tìm đến suối Kẹm để trải nghiệm đều mang theo đồ ăn, thức uống.

Sau mấy giờ khám phá khung cảnh thiên nhiên, trải nghiệm, thả mình trong nước và thử thách với những bậc đá trơn truội, ai nấy thấm mệt, miệng khát, bụng đói. Lúc ấy ai cũng nghĩ đến nhu cầu ăn, uống. Một tấm ni lông được trải rộng, bánh mì, cơm nắm, bánh trái được bày ra. Có nhóm mang thịt ướp sẵn thì nổi lửa nướng ăn tại chỗ.

Nhưng sau khi du khách ăn uống, những thứ còn bỏ lại bên dòng Kẹm là rác. Bữa bãi ngay bên bờ, trôi ràn rạt dưới dòng nước hay mắc lại ghềnh đá… Nếu không có người như ông Tiến, chắc chắn dòng Kẹm sẽ bị "bức tử" vì ô nhiễm môi trường.

Ông Tiến mộc mạc: Tôi là cư dân địa phương, thấy rác thải bừa bãi thì nhặt gọn lại. Khi thấy ai đó ăn xong đứng dậy thì tôi nhắc nhở gom rác bỏ vào nơi quy định. Từ năm 2018, tôi được lãnh đạo Ban Quản lý rừng Quốc gia Tam Đảo vận động làm “tuyên truyền viên” về công tác môi trường tại khu vực suối Kẹm. Từ đó đến nay, tôi gắn bó với khu vực này như mảnh vườn nhà.

Hàng ngày, ông Tiến đều đặn có mặt ở khu vực suối Kẹm. Ông kể cho du khách phương xa về huyền sử của một dòng suối quê mình, hăng hái hướng dẫn mọi người đi lại an toàn để không bị trượt chân vì rêu đá. Thấy rác bẩn thì nhặt, thấy ai đó vô ý vứt bừa bãi thì nhắc nhở, đồng thời cảnh báo du khách cẩn thận khi dùng lửa kẻo cháy rừng. Nhờ ông, môi trường sinh thái khu du lịch suối Kẹm được gìn giữ.