Sinh viên ngoại trải nghiệm hương vị Tết Việt

08:15, 24/01/2019

Tự tay làm bánh chưng, bánh dầy và thỏa sức tìm hiểu về một nét văn hóa cổ truyền của các gia đình người Việt Nam ngay tại T.P Thái Nguyên, khiến lưu học sinh nước ngoài Khoa Quốc tế (Đại học Thái Nguyên) cảm thấy thân thiện như chính tại quê hương mình. Tết Việt với sinh viên nước ngoài như một không chỉ là sự chung vui mà còn là sự trải nghiệm thú vị về văn hóa và tình đoàn kết, nhân ái…

Dù không phải lần đầu đón tết tại Việt Nam, nhưng bạn Andre B.Martins, sinh viên Đông Timor đang theo học ngành Kinh tế tại Khoa Quốc tế phấn khởi kể: "Tôi đã có may mắn được hai lần ăn Tết tại Việt Nam. Tết cổ truyền Việt Nam khác với không khí đón năm mới hoặc Lễ Giáng sinh của Đông Timor, mọi người dân trong mỗi gia đình người Việt Nam đều cố gắng về đoàn tụ, sum họp trong một nhà. Tất cả đều vui vẻ, cùng làm các món ăn cổ truyền như bánh chưng, làm mân cỗ cúng tổ tiên và hồi tưởng về dòng họ, công cha, nghĩa mẹ, bổn phận trách nhiệm từng người trong gia đình đã và sẽ phải làm những gì cho tốt hơn trong cuộc sống… Tôi cảm nhận được sự nhân ái, vị tha và động viên, cảm thông lẫn nhau trong mối quan hệ gia đình, xã hội trong những ngày Tết. Tết Việt Nam có nhiều phong tục rất lạ như cúng tất niên, cúng giao thừa, xông nhà và đi chùa, rồi cả lì xì mừng tuổi... Ai cũng được hưởng trọn niềm vui”.

Đối với nữ sinh Sonia Goncalves, sinh viên Đông Timor, lần đầu tiên được đón Tết cổ truyền Việt Nam đã tỏ ra rất háo hức chia sẻ những cảm nhận: “Tết với người Việt Nam, như là khoảng thời gian thiêng liêng nhất trong một năm. Tôi được các thầy, cô giáo sắm cho bộ quần áo dài truyền thống của các thiếu nữ Việt Nam, mà họ thường chỉ mặc trong dịp có nghi lễ trọng đại. Khi mặc lên tôi thật ngưỡng mộ bởi trước bao nhiêu lời tán tụng và sự thích thú của những người xung quanh. Chúng tôi được các thầy, cô giáo cho đi thăm di tích lịch sử - văn hóa ở Văn miếu Quốc Tử Giám, gặp những ông thầy đồ họa chữ cổ mà đầy ý nghĩa nhân văn, đạo đức, chí khí giúp chúng tôi thêm nghị lực học tập tốt. Tôi còn được biết thêm những giá trị nhân văn khác từ hoạt động trải nghiệm gói bánh chứng, làm bánh dày, đó là quan niệm về đất, trời, lòng hiếu thảo của con với cha mẹ và ông bà…”.

Còn sinh viên Gran Seana, người Phi-lip-pin, học năm thứ 2 chuyên ngành Kinh tế thì có những cảm nhận sâu sắc hơn các bạn: “Do phong tục ăn Tết của hai quốc gia, dân tộc có nhiều quan niệm khá giống nhau, nên ngay từ năm đầu (2017) tôi đến đây học và được trải nghiệm về cái Tết Việt Nam, tôi rất ấn tượng về lễ nghĩa gia phong trong mỗi gia đình người Việt. Đón giao thừa năm đầu cùng các bạn nước khác tại ký túc xá Đại học Thái Nguyên, đa số sinh viên vui ca hát, khiêu vũ… nhưng tôi để ý thấy thời khắc giao thừa, những người Việt Nam đều cùng chắp tay cầu nguyện một năm mới sung túc, may mắn, hạnh phúc và những điều an lành. Sau đó người lớn tuổi nhất sẽ phát quà, lì xì mừng tuổi… cùng những lời căn dặn, chúc tụng rất ý nghĩa, nếu hiểu sâu, có những lời nói rất cảm động, triết lý mà bao dung, động viên mọi người đều phải sống tốt hơn, học tập tốt hơn”.

Dịp Tết Kỷ Hợi năm nay, Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên có hơn 30 bạn sinh viên nước ngoài đón Tết. Để sinh viên an tâm học tập và được nghỉ ngơi tích cực trong dịp Tết, hầu hết các bạn sinh viên người Việt Nam cùng học đã mời các bạn ngoại quốc về tham gia sinh hoạt cùng gia đình. GS,TS Nguyễn Duy Hoan, Trưởng Khoa Quốc tế cho chúng tôi biết: “Khoa đã có nhiều năm đón sinh viên nước ngoài đến học tập nhất là ở lại Việt Nam dịp Tết cổ truyền, chúng tôi luôn tổ chức cho sinh viên đi thực tế, trải nghiệm. Đây cũng là hình thức phụ trợ cho học tập chuyên môn, bởi các em từ nhiều nước đến đây học tập, muốn học tốt thì cần am hiểu về văn hóa. Hiểu sâu về truyền thống thì các em sẽ tiếp cận văn hóa tốt hơn và trân trọng các giá trị văn hóa, triết lý đạo đức người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng”.

Được biết, bên cạnh hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng, tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy…Khoa còn tổ chức cho sinh viên ngoại quốc tham gia các hoạt động tham quan chợ hoa ngày Tết và ăn cơm tất niên, cúng giao thừa… Hiện nay, Khoa đã có trên 20 sinh viên Việt Nam tình nguyện đưa các bạn về ăn Tết cùng gia đình, một số tình nguyện đưa sinh viên nước ngoài cảm nhận đón Tết tại các khu vực  vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên) dịp chuẩn bị đón Tết, hoặc đưa đến các bản làng vùng cao vừa du lịch khám phá, vừa cảm nhận thêm sâu sắc về cái Tết của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên.

Cảm nhận sâu sắc về thú chơi hoa ngày Tết, sinh viên Jiao Makara người Đông Timor có nhận xét: “Tôi cảm thấy thú vị vì nhà nào cũng chơi hoa đào. Giữa cái lạnh giá mà có một loài cây gầy guộc, cằn khô lại bứt trồi, nở những bông hoa đỏ thắm. Có lẽ đó là biểu tượng của sức sống mới cho một năm mới đầy sinh lực, mãnh liệt. Dường như đó là khát vọng về tương lai tốt đẹp của mọi nhà, nên ai cũng chơi hoa đào. Tôi cảm nhận được sự sum vầy, đòn tụ của mọi người trong từng gia đình. Chính vì vậy trên các khu phố tôi đều thấy khẩu hiệu “Để nhà nhà, người người đều được đón Tết”. Đây chính là ngày lễ trọng của dân tộc mà chỉ có ở Việt Nam”. Có thể thấy, cách tổ chức đón Tết của Khoa Quốc tế cho sinh viên không chỉ là một kỷ niệm đẹp cho các bạn sinh viên ngoại quốc mà thực sự là trải nghiệm về cuộc sống từ nét đẹp truyền thống văn hóa của người dân Thái Nguyên.