Sáng 6-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo Hội nghị. Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (ảnh).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Năm học 2018 - 2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Năm học này, toàn ngành Giáo dục tiếp tục triển khai đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về giáo dục và đào tạo. Bên cạnh những thuận lợi, ngành Giáo dục cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó nhiều vấn đề đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu thống nhất cao với dự thảo Báo cáo, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học; giải quyết vấn đề thừa/thiếu giáo viên; chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học…
Một số ý kiến phát biểu tại Hội nghị cũng như ý kiến của ngành Giáo dục Thái Nguyên, đó là tập trung thực hiện tốt Đề án Tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 18,19- NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Với kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tỉnh Thái Nguyên đạt gần 92%, trong đó học sinh ở miền núi, nông thôn chiếm tỷ lệ đỗ không cao, phản ánh chất lượng chưa đồng đều.
Giải pháp được ngành Giáo dục Thái Nguyên đề ra là tập trung bồi dưỡng và thường xuyên đánh giá chất lượng cả đội ngũ giáo viên và học sinh các cấp; đẩy mạnh phân luồng và tư vấn nghề nghiệp cũng như nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục cải thiện điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ tốt cho việc dạy và học các cấp…