Nâng cao chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, với hệ thống 56 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), công tác đào tạo nghề của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế.
Tính đến hết tháng 6-2019, toàn tỉnh có 56 cơ sở GDNN đào tạo các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng với quy mô tuyển sinh hàng năm là trên 77.000 người. Trong đó, có 12 trường cao đẳng, 11 trường trung cấp, 14 trung tâm GDNN công lập và 19 cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN. Thực tế cho thấy, ngoài một số ngành nghề đào tạo nông nghiệp, người dân đã có sẵn kinh nghiệm sản xuất, hầu hết lao động tốt nghiệp lớp đào tạo sơ cấp và đào tạo thường xuyên không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Hiện nay, dây chuyền đào tạo các nghề phi nông nghiệp ở các trường nghề tương đối lạc hậu, thời gian đào tạo ngắn nên người lao động sau khi tốt nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao, làm việc trong công ty có dây chuyền sản xuất hiện đại. Vì vậy, dù nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp, công tác tuyển dụng lao động của Trung tâm gặp không ít khó khăn.
Bên cạnh hệ thống cơ sở vật chất lạc hậu, hiện nay, nhiều cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đang thiếu giáo viên cơ hữu. Đơn cử như Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Lương. Mặc dù được cấp phép đào tạo 16 nghề, song hiện nay, Nhà trường chỉ có 2 giáo viên cơ hữu thực hiện giảng dạy. Trong khi đó, theo Nghị định số 143 của Chính phủ, điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN là các Nhà trường phải đảm bảo số giáo viên cơ hữu tương ứng với số ngành nghề đào tạo. Hay Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân) thiếu đội ngũ giáo viên chuyên sâu, các lớp dạy nghề vẫn phải thuê giáo viên bên ngoài tham gia giảng dạy dẫn đến nhiều bất cập và không thể chủ động trong công tác đào tạo nghề.
Một trong những khó khăn nữa trong công tác đào tạo ở các cơ sở GDNN hiện nay là sự cạnh tranh giữa các đơn vị. Ông Nguyễn Duy Nhất, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Thái Nguyên chia sẻ: Hiện nay, các hệ thống các trường nghề trên địa bàn tỉnh có khá nhiều, các trung tâm GDNN hoạt động ở từng huyện dẫn đến việc cạnh tranh khá gắt gao trong công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo nghề.
Sự cạnh tranh này dẫn đến nhiều cơ sở dạy nghề không tuyển sinh được người học, hoặc tuyển được rất ít chỉ khoảng 20-50 người học/năm. Trong khi đó, nhiều trường nghề hiện đang sử dụng quỹ đất rất lớn, một số đơn vị đã đầu tư hàng tỷ đồng, xây dựng cơ sở vật chất hoành tráng nhưng sau đó bỏ hoang gây lãng phí rất lớn cho ngân sách Nhà nước.
Trước thực trạng này, việc rà soát, sắp xếp lại các cơ sở GDNN trên địa bàn đang được tỉnh tích cực triển khai. Cụ thể là sẽ cơ cấu lại hoặc giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập và hoạt động GDNN; sáp nhập theo lộ trình các trường trung cấp công lập vào trường cao đẳng công lập; từng bước chuyển trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc các bộ, ngành Trung ương về địa phương quản lý (đối với các trường đóng trên địa bàn các địa phương) có nhiều ngành, nghề đào tạo trùng với các trường do địa phương quản lý... Tỉnh ta đề ra mục tiêu đến năm 2021, dự kiến còn 34 cơ sở GDNN (14 cơ sở công lập và 20 cơ sở ngoài công lập). Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, tỉnh mới thực hiện xong việc sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên tại 9/9 huyện thành trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên. Hai trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú và Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) được sáp nhập thành Trường Trung cấp Dân tộc nội trú. Còn lại, các đơn vị khác hoặc chưa tiến hành sắp xếp, hoặc đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ông Dương Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Các cơ sở GDNN do các bộ, ngành Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh hiện còn chồng chéo, trùng lắp ngành, nghề đào tạo. Nhiều cơ sở chậm đổi mới cơ chế hoạt động, chưa mạnh dạn thực hiện tự chủ về tài chính, một số cơ sở có hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo đã xuống cấp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, Sở sẽ tích cực tham mưu cho UBND tỉnh tiến hành rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN do tỉnh quản lý theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Trên cơ sở đó, sẽ sáp nhập các trung tâm (đơn vị sự nghiệp công lập) có cùng chức năng, tương đồng về ngành nghề đào tạo; giải thể, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đối với các cơ sở GDNN hoạt động không hiệu quả. Đồng thời, khuyến khích hoạt động của các cơ sở GDNN ngoài công lập khi có đủ điều kiện theo quy định. Qua đó, nhằm mục đích có được các trường nghề mạnh, có chất lượng, chứ không phải chạy theo thành tích cắt giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước và địa phương.