Quyết liệt đổi mới công tác quản lý Nhà nước về giáo dục

02:18, 12/08/2022

Đó là một trong những nội dung trọng tâm được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức, sáng 12-8. Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Đại học Thái Nguyên, Sở GD&ĐT và các sở, ngành, địa phương của tỉnh.

Năm học 2021-2022 là năm thứ hai ngành Giáo dục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động của ngành. Ngành Giáo dục đã linh hoạt ứng phó, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển trạng thái hoạt động tổ chức dạy học an toàn, đảm bảo chương trình, mục tiêu, chất lượng giáo dục.

Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Năm 2021, 5 cơ sở giáo dục đại học lọt vào tốp các trường đại học tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng quốc tế có uy tín…

Đối với Thái Nguyên, năm học 2021-2022, mạng lưới trường, lớp ở các cấp học được củng cố, phát triển. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tăng lên. Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư hiệu quả cho giáo dục. Kết quả, toàn tỉnh có 601/685 trường học đạt trường chuẩn Quốc gia, đạt 87,74%.

Chủ đề năm học 2022-2023 ngành Giáo dục đề ra là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD&ĐT”. Ngành cụ thể hóa bằng 12 nhiệm vụ, trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền quản lý; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đẩy mạnh chuyển đổi số…

Bên cạnh ghi nhận những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng chỉ ra những hạn chế liên quan đến lĩnh vực thi cử, dạy thêm, học thêm, sách tham khảo… Năm học 2022-2023, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29 về đổi mới toàn diện GD&ĐT; đánh giá thực chất việc dạy và học, quan tâm phát triển đức, trí, thể, mỹ cho học sinh; khuyến khích các cơ sở giáo dục ở vùng kinh tế phát triển tự chủ tài chính, giảm ngân sách chi cho giáo dục.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ tham mưu về việc hỗ trợ kinh phí mua sách giáo khoa cho học sinh khu vực khó khăn mượn; tiếp tục xây dựng các tiêu chí trường chuẩn sát với tình hình thực tiễn…