Học phí tăng, chất lượng giáo dục có song hành?

Hằng Nga 15:19, 12/09/2022

Từ năm học 2022-2023, cùng với nhiều tỉnh, thành phố khác, Thái Nguyên thực hiện điều chỉnh học phí theo hướng tăng. Việc điều chỉnh tăng học phí lần này được thực hiện theo Nghị định số 81 của Chính phủ và được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XIV, diễn ra cuối tháng 8 vừa qua.

Dư luận đánh giá tăng học phí là việc làm hợp lý, nhưng phải đi đôi với đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dạy học. Trong ảnh: Giờ học tại điểm trường Liên Phương, thuộc Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng (Đồng Hỷ ).
Dư luận đánh giá tăng học phí là việc làm hợp lý, nhưng phải đi đôi với đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dạy học. Trong ảnh: Giờ học tại điểm trường Liên Phương, thuộc Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng (Đồng Hỷ ).

Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ban hành ngày 29/8/2022 của HĐND tỉnh Thái Nguyên quy định mức học phí trên địa bàn tỉnh được xây dựng theo nguyên tắc chia sẻ giữa Nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn dân cư.

Mức thu học phí sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng khoảng 2-5 lần so với trước đây, tùy thuộc vào từng địa bàn và cấp học sẽ có điều chỉnh mức thu phù hợp. Riêng học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập tiếp tục không phải đóng học phí theo Luật Giáo dục năm 2019. Mức học phí theo quy định với bậc tiểu học được dùng làm căn cứ để hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học theo học tại các trường tư thục.

Đầu tiên, phải khẳng định rằng việc điều chỉnh mức thu học phí là cần thiết, bởi nhiều năm qua, Nhà nước đã dành ngân sách đầu tư có trọng điểm cho lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên do ngân sách còn hạn hẹp, mức đầu tư chưa tương xứng, cần có sự chung tay, chia sẻ của người học, các bậc phụ huynh.

Sau khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết điều chỉnh mức tăng học phí, tại các cuộc họp đầu năm, các nhà trường đã tuyên truyền để phụ huynh học sinh nắm bắt đầy đủ và thực hiện theo quy định. Theo cô giáo Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên): Mặc dù trường nằm ở khu vực thành thị nhưng vẫn còn một số học sinh thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi sẽ bám sát vào các quy định của Nghị định số 81 để miễn, giảm học phí cho các em. Đồng thời tiếp tục vận động các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn chung tay đóng góp để hỗ trợ, đồng hành cùng các em trong học tập.

Nghị định 81 của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 10-2021, nghĩa là chủ trương thực hiện mức thu học phí mới được áp dụng từ năm học 2021-2022. Tuy nhiên, do những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đời sống nhân dân gặp khó khăn nên việc điều chỉnh mức thu học phí trên địa bàn tỉnh được lùi lại vào năm học này.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, học phí tăng là tất yếu và cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Đây cũng chính là kỳ vọng của các bậc phụ huynh và các em học sinh.

Trao đổi cùng chúng tôi, anh Trần Anh Dũng, ở tổ 7, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) nói: Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại, tôi thấy việc điều chỉnh tăng học phí của tỉnh là phù hợp. Các mức thu được đưa ra theo mức tối thiểu của Nghị định số 81 là đã chia sẻ khó khăn với người học và các bậc phụ huynh sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Còn ông Nguyễn Văn Chung, xóm Ngò Chẹo, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), có 2 cháu đang học mẫu giáo, đề nghị: Tăng học phí là việc làm hợp lý, nhưng phải đi đôi với đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dạy học.

Đề nghị của ông Chung cũng là ý kiến của cô giáo Nguyễn Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Hòa. Theo cô Tâm: Hiện nay, nhiều trường, lớp học đã xuống cấp, thiếu phòng học và chờ được bố trí kinh phí để sửa chữa, xây mới. Do đó, việc tăng thu học phí phải gắn với đầu tư lại cho các cơ sở giáo dục để đảm bảo các điều kiện dạy và học tốt hơn.

Để chủ trương sớm đi vào thực tiễn và nhận được sự đồng thuận của nhân dân, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chủ quản là Sở Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng dạy và học; không thu dồn học phí và các khoản thu cùng một thời điểm nhất là dịp đầu năm học mới.

Ngoài ra, đối với các cơ sở giáo dục đã có nguồn kinh phí từ học phí để hỗ trợ cho hoạt động giáo dục thì cần giảm những khoản thu khác từ phụ huynh; thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng học sinh theo đúng quy định.

Trước ý kiến của người dân, tỉnh Thái Nguyên cũng đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các chính sách phù hợp để hỗ trợ học sinh, đặc biệt là những đối tượng chính sách, ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số...

Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 29/8/2022 của HĐND tỉnh Thái Nguyên quy định cụ thể:

- Đối với các cấp học ở khu vực thành phố, mức thu học phí là 300 nghìn đồng/tháng.

- Với thị trấn trung tâm các huyện, xã, thị trấn không phải khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mức thu học phí với các cấp học là 100 nghìn đồng/tháng, riêng cấp THPT là 200 nghìn đồng/tháng.

- Các xã, thị trấn còn lại, đối với cấp mầm non, tiểu học, THCS, mức thu là 50 nghìn đồng/tháng, cấp THPT là 100 nghìn đồng/tháng.