Việc kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) là một trong những quy định bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục. Theo đó, tiêu chuẩn đánh giá là các yêu cầu nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động của trường học. Yêu cầu đặt ra là các trường tự đánh giá, cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức đánh giá ngoài. Đây cũng là cơ sở để các trường lập kế hoạch cải tiến nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Trường THPT Lương Phú (Phú Bình) đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn Quốc gia và được đánh giá là cơ sở giáo dục phổ thông có chất lượng giáo dục đạt cấp độ 3. Trong ảnh: Tiết thực hành môn Tin học của học sinh Nhà trường. |
Đầu tháng 12/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo đã khảo sát chính thức việc KĐCLGD tại Trường Tiểu học Lũng Luông (Võ Nhai). Đây là trường nằm ở khu vực đặc biệt khó khăn, chưa đạt chuẩn Quốc gia, học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông.
Trường Tiểu học Lũng Luông có 2 điểm trường, điểm chính đặt tại xóm Lũng Luông, điểm lẻ ở xóm Lũng Cà. Tổng số cán bộ, giáo viên nhân viên là 20 người (biên chế 16, hợp đồng thuê khoán 4), 100% trình độ đạt chuẩn. Về cơ sở vật chất, Nhà trường có 10 phòng học, đảm bảo tỷ lệ 1 lớp/1 phòng học; có đầy đủ các phòng chức năng.
Đoàn khảo sát đã nghiên cứu báo cáo, tài liệu, các thông tin minh chứng, gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn các thành viên của Hội đồng tự đánh giá, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; quan sát các hoạt động giáo dục, kiểm tra trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Nhà trường công khai báo cáo tự đánh giá đã hoàn chỉnh trên website của đơn vị; phân công cán bộ tiếp tục thực hiện các bước trong quy trình tự đánh giá, đặc biệt là việc thu thập thông tin, minh chứng hằng năm cho chu kỳ tiếp theo. Mặt khác, Nhà trường cần xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tiếp tục phấn đấu để đạt KĐCLGD ở cấp độ cao hơn.
Trao đổi cùng chúng tôi, cô giáo Đinh Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lũng Luông, phấn khởi: Từ những hạn chế mà Đoàn đánh giá ngoài chỉ ra, 2 năm qua, Nhà trường đã tiếp tục đề ra các giải pháp để bổ sung các yêu cầu nâng cao.
Cũng theo cô Hoa, trong những năm qua, Nhà trường thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục; đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, rèn luyện kỹ năng sống gắn với nội dung môn học, tạo cho học sinh có cơ hội hoạt động tích cực, chủ động, sáng tạo và hiệu quả. Năm học 2021-2022, Trường Tiểu học Lũng Luông có 23/23 học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; 120/124 em hoàn thành chương trình lớp học và 4 em rèn luyện trong Hè. Trường có 106/124 học sinh (bằng 85,6%) đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ. Đối chiếu với 5 tiêu chuẩn, Trường Tiểu học Lũng Luông được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt KĐCLGD mức độ 2; Chủ tịch UBND tỉnh công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 vào cuối tháng 5/2022.
Cuối năm 2022, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Bình được Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá ngoài đạt tiêu chuẩn KĐCLGD cấp độ 2. |
Còn đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Bình, đơn vị đã tự đánh giá, đăng ký đánh giá ngoài với Sở Giáo dục và Đào tạo. Cuối năm 2022, Trung tâm được Sở đánh giá ngoài đạt tiêu chuẩn KĐCLGD cấp độ 2.
Để đạt được kết quả này, trong những năm qua, Trung tâm đã có nhiều giải pháp để phát triển cả về quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục. Về đội ngũ, 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, tâm huyết, trách nhiệm với công việc được giao. Năm học 2022-2023, Trung tâm có 23 lớp, với 974 học sinh (tăng 6 lớp, 242 em so với năm học trước). Về kết quả học tập, Trung tâm luôn duy trì sĩ số đạt 95,6%; tỷ lệ lên lớp đạt 98,63%; xếp loại học lực giỏi, khá chiếm 38,53%; gần 40% số học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt.
Đặc biệt, năm học 2022-2023, Trung tâm bồi dưỡng, lựa chọn được 4 học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. Đây cũng là năm học đầu tiên Trung tâm có đội tuyển tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. Ngoài hoạt động dạy văn hóa, Trung tâm đã làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông cho học sinh, duy trì đào tạo nghề cho lao động nông thôn…
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu về KĐCLGD đã được các nhà trường chủ động quan tâm, đối chiếu, thực hiện nghiêm túc. Trong đó, thuận lợi lớn nhất là sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành 3 thông tư số 17, 18, 19 năm 2018 về KĐCLGD, công nhận đạt chuẩn Quốc gia với trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, các nhà trường thực hiện công tác tự đánh giá và hoạt động đề nghị cấp trên đánh giá ngoài đi vào nền nếp.
Hoạt động tự đánh giá ở các đơn vị được thực hiện thường xuyên, liên tục trong năm học. Đặc biệt, các nhà trường đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư các nguồn lực đảm bảo tiêu chí về cơ sở vật chất để công nhận, công nhận lại trường đạt chuẩn Quốc gia. Công tác KĐCLGD đã có tác động tích cực đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.
Từ những chuyển biến tích cực như trên, năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 681/681 cơ sở giáo dục đã hoàn thành tự đánh giá. Trong số này, có 612 đơn vị (tương đương 90%) đã đánh giá ngoài, kết quả có 470 đơn vị đạt cấp độ 2 và 142 đơn vị đạt cấp độ 3. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia tiếp tục được các địa phương quan tâm chỉ đạo, đầu tư hiệu quả. Trong học kỳ I năm học 2022-2023, toàn tỉnh đã công nhận 70 trường đạt chuẩn Quốc gia; 2 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đạt KĐCLGD cấp độ 2. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 598/683 trường học đạt trường chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 87,6%.
Như vậy, nhờ đẩy mạnh công tác KĐCLGD, thực hiện nghiêm túc, khách quan quá trình tự đánh giá cũng như đánh giá ngoài, công khai trước các cơ quan chức năng và toàn xã hội là một trong những giải pháp để mỗi nhà trường khẳng định vị thế và kết quả giáo dục đào tạo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin