Chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo của Thái Nguyên: Giữ vững vai trò trọng điểm vùng

Hằng Nga 10:47, 03/05/2023

Theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Thái Nguyên giữ vị trí, vai trò quan trọng trong định hướng phát triển của vùng. Với vị trí thuận lợi, trong những năm qua, Thái Nguyên đã có sự đầu tư, vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng là một trung tâm giáo dục trọng điểm.

Phong trào nghiên cứu khoa học được học sinh các trường phổ thông của tỉnh hưởng ứng và đạt nhiều giải cao.
Phong trào nghiên cứu khoa học được học sinh các trường phổ thông của tỉnh hưởng ứng và đạt nhiều giải cao.

Phát triển mạng lưới trường lớp gắn nâng cao chất lượng

Khai thác những lợi thế sẵn có về vị trí địa lý tiếp giáp Thủ đô Hà Nội - trung tâm giáo dục của cả nước, những năm qua, ngành Giáo dục của tỉnh đã tham mưu và đề ra nhiều giải pháp để phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục.

PGS-TS Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cho rằng: Tỉnh Thái Nguyên luôn coi giáo dục là quốc sách hằng đầu. Vì thế, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư cho phát triển GDĐT. Mạng lưới trường, lớp của các cấp học được củng cố, phát triển đều khắp, đáp ứng được nhu cầu học tập của trẻ mầm non và học sinh phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp. Cùng với cơ sở vật chất, về đội ngũ, ngành Giáo dục đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn và nâng chuẩn, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đều tăng cao.

Hiện nay, toàn tỉnh có 683 trường học. Chỉ tính riêng năm học 2021-2022, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới 705 phòng học, phòng chức năng và sửa chữa 591 phòng học, phòng chức năng, với tổng kinh phí thực hiện trên 183 tỷ đồng.

Toàn tỉnh hiện có 597/683 trường học các cấp đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 87,40%. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đều tăng. Minh chứng là năm học 2021-2022, Thái Nguyên có 57 học sinh (HS) đạt giải trong Kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia (3 giải Nhất, 10 giải Nhì, 18 giải Ba, 26 giải Khuyến khích), có 1 HS được tham gia dự vòng thi để chọn vào Đội tuyển quốc gia thi Olympic Sinh học quốc tế.

Cuộc thi Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia HS trung học có 3 dự án đạt giải Nhất, 1 dự án đạt giải Tư và có 1 dự án vinh dự nằm trong 7 dự án của Đoàn Việt Nam được tham dự cuộc thi Khoa học, kỹ thuật quốc tế năm 2022 tại Hoa Kỳ.

Tại cuộc thi “Khoa học kỹ thuật Olympic và Hội thảo quốc tế về Công trình khoa học sáng tạo” được tổ chức tại Hàn Quốc năm 2022, đề tài do nhóm HS của tỉnh tham gia dự thi xuất sắc dành Huy chương Vàng…

Khai thác lợi thế vùng

Đứng chân trên địa bàn Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Trong những năm qua, cùng với đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH), chuyển giao công nghệ, ĐHTN đã có nhiều đóng góp với các tỉnh trong vùng về hoạch định, tư vấn, phản biện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến nay, ĐHTN đã ký 15 chương trình hợp tác NCKH và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Việc Đại học Thái Nguyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho thành lập phân hiệu tại tỉnh Hà Giang góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh miền núi phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn.
Việc Đại học Thái Nguyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho thành lập phân hiệu tại tỉnh Hà Giang góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh miền núi phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện, ĐHTN có 7 trường đại học thành viên. Phát huy thế mạnh của từng đơn vị đào tạo, các trường thành viên của ĐHTN đã chủ động hợp tác toàn diện với các địa phương trong vùng để khai thác lợi thế cùng phát triển. Tiêu biểu trong khối các đơn vị thành viên của ĐHTN phải kể đến Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông. 

PGS-TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, chia sẻ: Lợi thế của Thái Nguyên nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội và là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng trung du miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ.  Khai thác lợi thế này, Nhà trường đã tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động phù hợp với chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Ngoài đào tạo sinh viên chính quy đáp ứng yêu cầu của khối doanh nghiệp, các cơ quan, ban, ngành, địa phương, những năm qua, Nhà trường đã phối hợp với các địa phương trong vùng để đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên tại chỗ cho đội ngũ cán bộ, công chức các địa phương.

Các trường thành viên khác thuộc ĐHTN đã hợp tác chặt chẽ với các địa phương trong vùng về đào tạo, thực hiện các chương trình nghiên cứu, chuyển giao theo đơn đặt hàng.

Với 154 giáo sư, phó giáo sư, hơn 700 tiến sĩ và hơn 2.000 thạc sĩ, ĐHTN hoàn toàn có đủ khả năng để đảm nhận các chương trình nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật lớn do Chính phủ giao và các địa phương đặt hàng, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra nhằm phát triển bền vững cho cả ĐHTN và khu vực.

Gần 30 năm qua, Đại học Thái Nguyên đã cung cấp cho đất nước khoảng 200.000 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học, trong đó có 32.790 thạc sĩ, 268 tiến sĩ, 2.111 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 513 bác sĩ chuyên khoa cấp II và 122 bác sĩ nội trú.