Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 đang là thông tin thu hút sự quan tâm dư luận xã hội. Đây là năm đầu tiên có học sinh tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kỳ thi dự kiến có 11 môn.
Một tiết học của học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai). Ảnh: Nguyễn Quang |
Điểm mới đáng chú ý là bên cạnh số môn bắt buộc, thí sinh được tự chọn môn thi. Chủ trương được Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định là không có nhiều xáo trộn so với hiện nay và bảo đảm thuận lợi cho thí sinh.
Quý IV/2023 sẽ công bố phương án thi
Lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ hoàn thành chu kỳ đầu tiên ở cấp trung học phổ thông vào năm 2025 - năm đầu tiên có học sinh tốt nghiệp. Cả nước có khoảng 1 triệu học sinh đang theo học lớp 11 và sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào năm sau. Vì vậy, dự thảo phương án kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 được học sinh, phụ huynh và các nhà giáo đặc biệt quan tâm.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Huỳnh Văn Chương thông tin, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ thi 11 môn gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Trong số này có một số môn bắt buộc và một số môn tự chọn. Hình thức thi vẫn được giữ ổn định, trong đó môn ngữ văn thi tự luận, các môn còn lại trắc nghiệm khách quan. Nội dung thi bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12 nhằm tạo thuận lợi nhất cho thí sinh. Sau khi được Chính phủ phê duyệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ công bố phương án thi cụ thể vào quý IV năm nay.
Theo đó, sẽ quy định khung thời gian tổ chức kỳ thi (lịch thi chung) phù hợp với kế hoạch thời gian năm học để bảo đảm thống nhất trong cả nước. Về phương thức xét công nhận tốt nghiệp, sẽ duy trì cách thức xét kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh và kết quả thi tốt nghiệp.
Tiếp tục phân cấp cho địa phương
Với những thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, có thể thấy, so với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 và những năm gần đây, mục đích, phương án tổ chức cũng như hình thức làm bài thi các môn cơ bản ổn định, không có nhiều xáo trộn.
Em Trần Bảo An, học sinh Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) bày tỏ: “Là lứa học sinh đầu tiên sẽ thi tốt nghiệp theo chương trình mới, chúng em rất mong sớm được biết phương án thi cụ thể, nhất là về các môn thi và có đề thi minh họa từng môn”.
Liên quan đến đề thi, đã có nhiều ý kiến đề xuất nên phân cấp cho địa phương nhằm hạn chế nguy cơ có thể có ý trong câu hỏi của kỳ thi quốc gia trùng với đề thi của một địa phương, đồng thời tăng trách nhiệm địa phương trong các khâu tổ chức kỳ thi.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 tiếp tục phân cấp mạnh, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tổ chức kỳ thi tại tỉnh, thành phố mình. Bộ vẫn sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện lực lượng ra đề thi do Bộ huy động với số lượng trung bình mỗi năm khoảng 180 giáo viên. Nếu mỗi tỉnh, thành phố tự ra đề thì tổng số giáo viên tham gia làm đề thi là 11.340 người. Với số lượng giáo viên lớn như vậy, việc ra đề thi không chỉ gây lãng phí mà còn có thể dẫn đến nguy cơ mặt bằng kiến thức không công bằng giữa đề thi của tỉnh này với tỉnh kia. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, nếu mỗi địa phương tự ra đề thì tính rủi ro rất cao.
Thông tin mới liên quan đến đề thi mà thí sinh cần lưu ý là theo dự kiến, đề thi có dạng “câu hỏi mở, trả lời ngắn”. Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Ngọc Hà cho biết, đề thi từ năm 2025 vẫn có sự kế thừa với định dạng đề thi hiện hành, song có sự phát triển để phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực. Đề thi có thể có thêm các dạng thức như dạng trắc nghiệm 4 phương án đúng/sai, dạng thức câu hỏi mở nhưng trả lời ngắn. Dự kiến trong tháng 10 và 11 tới, Bộ sẽ xây dựng định dạng đề thi và tiến hành thử nghiệm ở một số địa phương.
Trước nhiều ý kiến đề xuất sớm công bố rõ số lượng môn thi để học sinh và giáo viên chủ động và có thời gian chuẩn bị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đang tiếp tục lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin