Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ (2-4): Đừng để trẻ mất đi cơ hội vàng

10:17, 31/03/2022

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ và thực tế số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng lên. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ rất quan trọng trong uốn nắn và phát triển nhân cách của trẻ sau này.

Khi con trai M.A 17 tháng tuổi, gọi không nghe, không phản ứng, chị H. phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) vẫn nghĩ con mình chậm nói. Sau đó một thời gian ngắn, không thấy con có tiến triển, vợ chồng chị quyết định đưa cháu về Bệnh viện Nhi Trung ương khám và được bác sĩ thông báo cháu mắc chứng tự kỷ. Quá sốc, chị H. quyết định nghỉ việc ở một doanh nghiệp nhà nước để tập trung điều trị cho con.

Trò chuyện cùng chúng tôi, chị H. buồn phiền: Em đã đưa cháu đến các trung tâm, thậm chí thuê cả giáo viên về nhà để can thiệp. Mặc dù gia đình đã rất cố gắng nhưng khả năng đáp ứng của cháu không tốt, giao tiếp của cháu ngày càng mất dần. Cháu lúc nào cũng chỉ ngồi chơi ngoan, không quậy phá. Sau đó em gửi cháu đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh (gọi tắt là Trung tâm Hỗ trợ trẻ khuyết tật) để tiếp tục can thiệp và xác định kiên trì theo cháu.

Cũng giống trường hợp chị H., khi con được 2 tuổi, chị Y ở phường Thắng Lợi T.P Sông Công thấy con nói ngọng, giao tiếp kém mới đưa về Hà Nội khám và phát hiện cháu mắc chứng tự kỷ.

Theo chị Y: Khi đi khám, bác sĩ bảo cháu không bị câm điếc, tôi không tin con mình mắc chứng tự kỷ mà chỉ nghĩ cháu chậm nói nên cho đi bấm huyệt, rút lưỡi nhưng đều không ăn thua. Đến tuổi học mầm non, tôi cho con đi học nhưng cháu không giao tiếp chỉ ngồi một chỗ. Sau đó gia đình tiếp tục đưa cháu lên Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng (CH&PHCN) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội điều trị 1,5 năm. Hiện nay, cháu đang học lớp can thiệp sớm tại Trung tâm Hỗ trợ trẻ khuyết tật, chúng tôi cũng chỉ biết hy vọng các cô giáo can thiệp về ngôn ngữ, hoạt động cho cháu tiến bộ hơn.

Hiện tại, Trung tâm Hỗ trợ trẻ khuyết tật tỉnh đang có 40 học sinh (HS) mắc chứng tự kỷ. Chủ nhiệm lớp Can thiệp sớm số 2, cô giáo Hoàng Thị Bích Hằng chia sẻ: Lớp có 17 HS thì một nửa là trẻ tự kỷ. 7 năm đứng lớp, em nhận thấy nhiều bố mẹ phát hiện con bị chứng tự kỷ muộn, thậm chí có gia đình không chấp nhận con mắc chứng này, khi đưa đến Trung tâm vẫn bảo con chậm nói. Vì thế có trường hợp 6-7 tuổi mới can thiệp, hiệu quả rất thấp.

“Những biểu hiện thường gặp ở trẻ tự kỷ là hạn chế giao tiếp, có em biểu hiện nặng có những hành vi như tự xâm hại mình, cắn, cấu bản thân. Có những em chỉ say mê một vật gì đó như giấy bóng, lúc nào cũng giữ khư khư trong tay. Có em chỉ ngồi một chỗ cắn móng tay hoặc chỉ yêu thích chơi một màu giấy. Vì thế, mỗi HS phải có một giáo án riêng, một kế hoạch giáo dục cá nhân và kiên trì tiếp cận để tìm biện pháp can thiệp tốt nhất” - cô giáo Hoàng Thị Bích Hằng chia sẻ thêm.

Với mỗi trẻ mắc chứng tự kỷ, các cô giáo phải có một giáo án riêng, kiên trì tiếp cận để tìm biện pháp can thiệp tốt nhất.

Lớp Can thiệp sớm số 1 do cô giáo Phạm Thị Thanh Hương đảm nhận tuy ít HS mắc chứng tự kỷ hơn lớp cô Hằng nhưng mỗi HS là một “bài toán” khó cho cô chủ nhiệm. Lớp có 11 HS, trong đó có 3 trẻ tự kỷ.

Theo cô Hương: Trong 3 trẻ, sau can thiệp thì 2 cháu có tiến triển tốt. Cụ thể, một cháu bị rối loạn cảm giác, tôi đã dùng nhiều biện pháp để HS biết thế nào là ấm, nóng, đau, buồn. Cùng với đó, tôi sai cháu làm việc, kiên trì một thời gian cháu đã làm. Tôi trao đổi với bố mẹ về nhà giao những việc như cất bát, lau bàn và cháu đã làm, gia đình cháu vui lắm. Cháu thứ 2 tuy đã 7 tuổi nhưng khi vào Trung tâm chỉ ăn cơm với hành lá, nhưng giờ đây cháu đã chịu ăn cơm với thịt băm, trứng rán…

Như vậy, việc giáo dục trẻ mắc chứng tự kỷ là rất khó khăn. Hiện nay, ngoài Trung tâm Hỗ trợ trẻ khuyết tật tỉnh, trung bình mỗi năm Bệnh viện CH & PHCN tỉnh tiếp nhận và điều trị cho trên 70 trẻ tự kỷ. Theo các y, bác sĩ Bệnh viện, khó khăn nhất là khả năng giao tiếp và tương tác của trẻ tự kỷ. Không có một phương pháp chung nào dành cho mọi đứa trẻ bị tự kỷ, mỗi đứa trẻ cần một phương pháp toàn diện, điều độ và nhất quán của các thầy thuốc và gia đình.

Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Lý, Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện CH&PHCN: Việc phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ mắc chứng tự kỷ sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Theo các mốc phát triển, từ 5 tháng tuổi, gia đình đã có thể đánh giá tetx sự phát triển tâm thần của trẻ (lúc này trẻ đã biết người lạ, người quen). Trẻ tự kỷ cần được can thiệp càng sớm càng tốt. Giai đoạn vàng để can thiệp cho trẻ tự kỷ là từ 24 - 36 tháng, để trẻ lớn hơn, khi đã có hành vi định hình thì việc can thiệp thay đổi sẽ rất khó khăn.

3 năm đầu đời của trẻ là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất về ngôn ngữ. Trẻ học cách nghe hiểu và sử dụng được ngôn ngữ nói với những từ có nghĩa. Trẻ tự kỷ chậm phát triển ngôn ngữ và giao tiếp xã hội nên nếu can thiệp trẻ trong giai đoạn phát triển ngôn ngữ mạnh mẽ này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc can thiệp trẻ ở lứa tuổi lớn hơn - khi sự phát triển ngôn ngữ của trẻ đã bắt đầu chững lại. Vì thế, can thiệp điều trị trẻ tự kỷ cần thời gian dài, không phải vài tuần, vài tháng mà có khi phải cần nhiều năm, đòi hỏi phụ huynh phải kiên trì.