Kết quả học tập THPT quyết định chất lượng tuyển sinh

14:38, 05/05/2021

Công tác tuyển sinh đại học và cao đẳng những năm gần đây chủ yếu dựa vào kết quả học tập và kỳ thi THPT Quốc gia, đã phản ánh sự tin tưởng của các trường đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) vào quá trình dạy và học bậc THPT. Sự phân ban, phân loại công khai, minh bạch chất lượng theo định hướng nghề nghiệp trong các nhà trường phổ thông giúp người học xác định rõ mục tiêu, động cơ học tập; đồng thời tạo cơ sở xét tuyển sinh ĐH,CĐ thuận lợi.

Thời điểm kết thúc nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học đối với thí sinh đã sắp hết hạn (ngày 11-5 là hạn cuối). Đến thời điểm này, thí sinh trong toàn tỉnh và cả nước đang gấp rút thực hiện hồ sơ đăng ký dự thi và xét tuyển. Phương án tổ chức thi 2 trong 1 (thi tốt nghiệp THPT kết hợp xét tuyển sinh đại học, cao đẳng) đã đi vào ổn định và không còn tạo áp lực cho thí sinh cũng như cho xã hội. Nhiều phương thức xét tuyển ĐH,CĐ đều tiệm cận đến xét theo năng lực học tập của học sinh trong quá trình học ở bậc THPT. Nếu như năm 2018, 2019 và 2020, các trường thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) chỉ dành từ 20% - 40% chỉ tiêu trong tổng số trên 10.000 chỉ tiêu xét tuyển sinh bằng phương thức xét theo kết quả học tập của thí sinh ghi trong học bạ mỗi kỳ học hàng năm (xét theo học bạ), thì đến năm 2021, chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức này đã tăng lên 50-55%.

Qua phân tích dữ liệu kết quả điểm thi hàng năm của Sở Giáo dục và Đào tạo và kết quả trúng tuyển vào các trường thuộc ĐHTN công bố hàng năm thì điểm thi phản ánh sát với kết quả học tập, năng lực của học sinh khi học từ lớp 10 đến lớp 12. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Quân (Trường Đại học Sư phạm) nhận xét: “Những năm gần đây việc đổi mới thi cử, đổi mới quản lý trong hệ thống các trường phổ thông đã có tác động tích cực đến công tác tuyển sinh. Đơn cử như việc các trường công khai cập nhật điểm học tập của học sinh trong tháng và từng học kỳ, phần nào phản ánh trung thực về kết quả học tập của mỗi học sinh, từ đó các em có động lực để phấn đấu. Điều này đã tạo niềm tin cho các trường ĐH,CĐ, đồng thời làm cơ sở dữ liệu cho việc xét tuyển sinh dễ dàng hơn. Về kỹ thuật ra đề thi THPT càng ngày càng sát với thực tế, có sự phân hóa rõ hơn và phục vụ được cùng lúc hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Do đó, đề thi mọi năm đều thỏa mãn yêu cầu người học là: Học đến đâu thi đến đó, học sao thi vậy và rất ít yếu tố may, rủi trong làm bài thi. Trong điều kiện thí sinh đã có kết quả học tập loại giỏi, nhiều năm liên tục, lại có thêm giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia... thì gần như thí sinh đó đã chắc suất vào thẳng ĐH,CĐ. Việc thi chỉ còn mang ý nghĩa để xét tốt nghiệp THPT, nên không còn áp lực nặng nề với thi cử”.

Ba phương thức xét tuyển sinh cơ bản của các trường thuộc ĐHTN công bố là: Xét tuyển thẳng, xét tuyển bằng học bạ và xét tuyển bằng kết quả thi THPT. Tuy nhiên, yêu cầu mỗi ngành nghề có những điều kiện khác nhau, như: Khối ngành chăm sóc sức khỏe, kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh chỉ có ý nghĩa cộng thêm điểm ưu tiên trong xét tuyển, nhưng với một số ngành khác trong ĐHTN thì hoàn toàn đủ điều kiện vào thẳng. Cũng có ngành nghề xét tuyển bằng học bạ từ năm lớp 10, đến hết học kỳ I lớp 12 với mức điểm bảo đảm ngưỡng chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, hoặc theo phương án tuyển sinh riêng. Một số ngành nghề khối sư phạm, kỹ sư công nghiệp, kinh tế, công nghệ thông tin, khoa học, nông lâm nghiệp xét kết quả học tập từ hai học kỳ lớp 11, và học kỳ một lớp 12 theo tổ hợp các môn tương ứng. Tuy nhiên, lợi thế lớn nhất và có nhiều ưu tiên trong xét học bạ chính là đạt danh hiệu học sinh giỏi, nhất là lớp 12. Kết quả này phản ánh năng lực học tập toàn diện ở các môn học và rèn luyện của của học sinh. Như vậy có thể thấy kết quả và chất lượng học tập của học sinh bậc THPT có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xét tuyển ĐH, CĐ cũng như chọn ngành nghề phù hợp sở thích và năng lực bản thân.