Trong bối cảnh có nhiều thách thức, áp lực cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học ngày càng lớn, công tác tư vấn tuyển sinh (TS) năm 2022 của Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) được chuẩn bị chu đáo, chủ động và linh hoạt. Nhờ vậy, công tác TS đã đạt được những thành công lớn về số lượng, chất lượng, ở tất cả các bậc, hệ đào tạo. Tuy nhiên, một số khối ngành, cơ sở đào tạo (CSĐT) chưa có sức hút người học, cần sớm điều chỉnh…
Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông có tỷ lệ tuyển sinh năm 2022 đạt rất cao, trên 99% chỉ tiêu đề ra. Trong ảnh: Các tân sinh viên nhập trường được hỗ trợ tận tình, chu đáo. |
Độ chênh lệch kết quả tuyển sinh cao
Năm 2022, chỉ tiêu TS của ĐHTN tăng so với năm 2021. Cụ thể, hệ đại học chính quy là 14.045 chỉ tiêu (tăng 1.074 chỉ tiêu); hệ cao đẳng là 1.100 (tăng 100 chỉ tiêu) và hệ trung cấp là 500 (tăng 140 chỉ tiêu).
ĐHTN thực hiện TS theo 6 phương thức, có sự phân cấp hợp lý, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các CSĐT; là “đầu mối” tiếp nhận thông tin TS từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), tổ chức xét tuyển tập trung.
Các CSĐT đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các kênh truyền thông và tư vấn đa dạng trong tất cả các khâu của quá trình TS. Toàn bộ quy trình đăng ký dự tuyển, thanh toán lệ phí, tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng, xác nhận nhập học được thực hiện trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ TS chung, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
ĐHTN đã hỗ trợ kịp thời các CSĐT khi gặp khó khăn về phần mềm nhập dữ liệu xét tuyển, tư vấn kịp thời những vấn đề chưa rõ về nghiệp vụ trong công tác TS.
Nhìn chung, điểm trúng tuyển năm 2022 về cơ bản cao hơn so với năm 2021. Nếu so với năm 2021, kết quả TS năm 2022 hệ cao đẳng tăng 68 sinh viên (SV) thì TS trình độ đại học hệ chính quy giảm 635 TS; trung cấp giảm 276 SV.
Tổng số thí sinh trúng tuyển vào ĐHTN là 11.961 SV (10.752 SV hệ đại học, 1.076 SV hệ cao đẳng và 133 SV hệ trung cấp), đạt 76,45% so với chỉ tiêu. So với mặt bằng chung khu vực miền Bắc, công tác TS của ĐHTN ở mức khá.
Theo thống kê của Bộ GDĐT thì tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển trên cả nước năm 2022 đều giảm, trong đó miền Bắc có số lượng giảm nhiều nhất, khoảng 38%.
Đặc biệt, độ chênh lệch kết quả TS của các ngành rất cao, các ngành khoa học cơ bản, nông lâm nghiệp rất ít thí sinh đăng ký. Nhiều ngành của một số CSĐT không có thí sinh trúng tuyển hoặc trúng tuyển rất ít. Tổng số thí sinh trúng tuyển vào các ngành của các trường chỉ đạt ở mức rất thấp, như: Trường Đại học Khoa học (56,7%), Khoa Quốc tế (30%), Trường Đại học Nông lâm (27,92%)...
Thực tế này đòi hỏi các CSĐT phải khẩn trương rà soát lại các ngành tuyển sinh, loại bỏ những ngành đào tạo không còn nhu cầu của xã hội và những ngành mới đào tạo thí điểm kém hiệu quả.
Nâng cao chất lượng tuyển sinh và các hệ đào tạo
Cán bộ quản lý một số CSĐT của ĐHTN đều cho rằng xu hướng chọn trường, ngành có sự chuyển đổi mạnh. Một số ngành truyền thống nhưng thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp nên đạt chỉ tiêu TS rất thấp, đặc biệt khối ngành nông - lâm nghiệp.
Đối với các CSĐT trực thuộc ĐHTN, nhiều ngành học có số lượng thấp SV trúng tuyển nhập học. Cụ thể, tại Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, ngành học Phát triển nông thôn trong 2 năm (2020 - 2021) không có trường hợp nào trúng tuyển nhập học; năm 2022, chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển nhập học; hay như ngành Khoa học môi trường, năm 2022 chỉ có 2 thí sinh trúng tuyển nhập học, bằng 4% chỉ tiêu TS (chỉ tiêu là 50).
Đối với Trường Đại học Khoa học tình trạng cũng tương tự, ngành Vật lý học, năm 2020 và 2022, không có trường hợp nào trúng tuyển nhập; ngành Thông tin thư viện, năm 2020 có 3 SV nhập học, năm 2021 TS được 2 chỉ tiêu và năm 2022 chỉ TS được 1 chỉ tiêu…
Ngoài nguyên nhân cạnh tranh giữa các CSĐT trong TS ngày càng mạnh hơn, một số CSĐT cũng chưa quan tâm đúng mức đến công tác truyền thông về việc làm và mở mới các ngành theo nhu cầu xã hội. Xu hướng phân cực khá rõ rệt, các trường mạnh ngày càng mở rộng quy mô, thu hút thí sinh tốt hơn, ngược lại các trường đang tuyển kém thì càng kém đi.
Nhiều CSĐT, kể cả trường công lập, nếu không bắt kịp xu hướng này, có điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chiến lược phát triển, đổi mới ngành, chương trình, môi trường và phương pháp đào tạo, truyền thông, quảng bá TS thì sẽ không thu hút được thí sinh.
Tại hội nghị mới đây do ĐHTN tổ chức để đánh giá công tác TS năm 2022, lãnh đạo các CSĐT đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan, tìm nguyên nhân và đề ra những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác TS trong năm 2023.
Ngoài những mặt tích cực, Giám đốc ĐHTN, PGS.TS Hoàng Văn Hùng đã nhấn mạnh vấn đề cần cân đối quy mô TS với năng lực đào tạo để phát triển ổn định và bền vững. Ông cho rằng sản phẩm, chất lượng đào tạo và phương thức dạy học phải không ngừng cải tiến. Vì thế, các CSĐT cần có sự chuẩn bị tích cực cho công tác TS năm 2023, trọng tâm là: Xác định chỉ tiêu, xây dựng đề án, phương thức TS, phát triển và kiểm định các chương trình đào tạo; tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức truyền thông tư vấn TS. Cùng với đó là phải đầu tư đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo, dịch vụ hỗ trợ người học. Đặc biệt là quan tâm đa dạng hóa các chương trình đào tạo; xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng được với nhu cầu của thị trường lao động…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin