Kiểm định xe cơ giới: Giải pháp nào để không “quá tải”?

Dương Hưng (Thực hiện) 12:08, 26/03/2023

Thời gian qua, nhiều trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới và kiểm định viên trong cả nước đã bị đình chỉ hoạt động do liên quan đến sai phạm trong quy trình kiểm định xe. Trong đó, Thái Nguyên cũng có TTĐK bị đình chỉ hoạt động, một số đăng kiểm viên bị xử lý, khiến hoạt động kiểm định xảy ra tình trạng “quá tải”.

Vậy, giải pháp nào để không xảy ra tình trạng “quá tải” tại các TTĐK? Câu trả lời có trong cuộc trao đổi của phóng viên Báo Thái Nguyên với ông Lê Hải Lân, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông - Vận tải Thái Nguyên).

Các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn tỉnh hiện đang hoạt động hết công suất dây chuyền.
Các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn tỉnh hiện đang hoạt động hết công suất dây chuyền.

P.V: Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của các TTĐK trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Ông Lê Hải Lân: Thời gian qua, một số TTĐK xe cơ giới trong cả nước đã bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố hình sự và bị đình chỉ hoạt động dẫn đến ùn tắc cục bộ phương tiện đến kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm.

Từ đầu tháng 1/2023, do một số đơn vị đăng kiểm tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang bị đình chỉ hoạt động nên nhiều phương tiện tại các địa phương trên đã đến kiểm định tại Thái nguyên. Còn tại Thái Nguyên, do có 2/9 đơn vị đăng kiểm tạm ngừng hoạt động để phục vụ điều tra cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động đăng kiểm phương tiện. Vì vậy, tại một số thời điểm xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ phương tiện đến kiểm định, nhiều chủ phương tiện phải đăng ký, xếp hàng chờ đợi.

P.V: Với công suất các dây chuyền kiểm định xe hiện tại có đáp ứng được nhu cầu đăng kiểm xe của người dân trên địa bàn không, thưa ông?

Ông Lê Hải Lân: Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị đăng kiểm, với 13 dây chuyền kiểm định, có năng lực kiểm định từ 280-300 nghìn lượt phương tiện/năm. Trong đó có 2 đơn vị sự nghiệp công lập (TTĐK 20-01S, TTĐK 20-02S) và 7 đơn vị do doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa (TTĐK 20-03D, 20-04D, 20-05D, 29-06D, 20-07D, 20-08D, 20-09D). Từ thời điểm ngày 5/3/2023 đến nay có 7 đơn vị đang hoạt động, gồm: TTĐK 20-01S, 20-02S, 20-03D, 20-05D, 20-06D, 20-07D và 20-08D. Với mạng lưới và năng lực hiện tại của các đơn vị đăng kiểm vẫn đáp ứng nhu cầu đăng kiểm xe của người dân trên địa bàn tỉnh…

Hiện nay, lượng xe đến kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 40-50% so với trước nên gây tình trạng ùn ứ cục bộ.
Hiện nay, lượng xe đến kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 40-50% so với trước nên gây tình trạng ùn ứ cục bộ.

P.V: Để giải quyết bài toán “quá tải” tại một số thời điểm, cơ quan chức năng có giải pháp như thế nào để bảo đảm nhu cầu đăng kiểm cho người dân, thưa ông?

Ông Lê Hải Lân: Trước nhu cầu đăng kiểm tăng cao, nhất là số phương tiện từ các tỉnh, thành phố lân cận đến kiểm định tại các TTĐK ở Thái Nguyên, từ cuối tháng 2/2023, Sở Giao thông - Vận tải đã kịp thời có văn bản chỉ đạo đối với các đơn vị đăng kiểm thực hiện một số giải pháp, như: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải về việc bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Tăng cường quản lý hoạt động kiểm định phương tiện, thực hiện kiểm định đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các cán bộ, đăng kiểm viên có hành vi sai phạm trong hoạt động kiểm định... 

Căn cứ vào nhu cầu kiểm định và năng lực của đơn vị đăng kiểm, tại từng thời điểm có thể bố trí nhân lực làm thêm giờ, tăng ca (kể cả ngày nghỉ) để phục vụ tốt nhu cầu đăng kiểm phương tiện của người dân. Rà soát nhân lực, đặc biệt là đối với các đăng kiểm viên, để có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo bổ sung đội ngũ này.

P.V: Cơ quan chức năng có khuyến cáo hay hướng dẫn như thế nào đối với người dân trong quá trình đi đăng kiểm xe cơ giới để không phải chờ đợi quá lâu, thưa ông?

Ông Lê Hải Lân: Hiện nay, các đơn vị đăng kiểm tiếp nhận hồ sơ đăng kiểm xe cơ giới thực hiện việc đăng ký xếp lịch kiểm định trước cho khách hàng bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến, phản hồi cụ thể về lịch tiếp nhận phương tiện để người dân, chủ phương tiện chủ động sắp xếp thời gian. Các đơn vị đăng kiểm căn cứ vào nhu cầu của người dân để xây dựng kế hoạch kiểm định phù hợp, khi nhu cầu tăng cao sẽ bố trí làm thêm giờ, thêm ngày. 

Thực tế trong những ngày qua, lượng phương tiện từ các tỉnh, thành phố lân cận đến đăng kiểm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên khá lớn, tuy vậy, với các giải pháp đã triển khai thì khách hàng cũng không phải chờ đợi quá lâu. Bên cạnh đó, các phương tiện đến kiểm định phải bảo đảm thiết kế của nhà sản xuất để tránh tình trạng phải kiểm định nhiều lần, mất nhiều thời gian cho cả chủ phương tiện và các đơn vị đăng kiểm...

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!