Văn hóa giao thông - Chuyện không mới, nhưng luôn "nóng"

Hoàng Hải 16:56, 10/12/2023

Khi nhắc đến cụm từ "văn hóa giao thông", hầu hết mọi người thường liên tưởng đến những hành vi thiếu ý thức, phần “tối” nhiều hơn, mà ít khi nhớ đến những hành động đẹp đáng được ngợi khen. Điều này cũng không lạ, bởi những hành vi, hình ảnh thiếu văn hóa, kém ý thức khi tham gia giao thông còn phổ biến và là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giao thông ùn tắc, lộn xộn, khiến nhiều người bức xúc.

Cảnh lộn xộn, tắc nghẽn cục bộ trước một cổng trường học trên địa bàn TP. Thái Nguyên giờ đón học sinh.
Cảnh lộn xộn, tắc nghẽn cục bộ trước một cổng trường học trên địa bàn TP. Thái Nguyên giờ đón học sinh.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, về cơ bản, việc xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, “nếp văn hóa” chung đã được hình thành. Vậy nhưng, bên cạnh những chuẩn mực đang được cộng đồng cùng nhau xây dựng, thì vẫn còn không ít người có cách tham gia giao thông theo kiểu “không giống ai”.

Và theo lẽ thường, những hình ảnh dễ gây chú ý nhất là các hành vi xấu, phản cảm, thậm chí gây nguy hiểm cho người khác và cả bản thân người có hành vi ấy. Đó là tình trạng “điền vào chỗ trống”, chạy xe ngược chiều, lấn làn, dừng đỗ xe tùy tiện, không giảm tốc độ, thiếu quan sát khi qua nút giao… Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông.

Như vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường Bắc Kạn (TP. Thái Nguyên) vào ngày 21/2/2023. Theo camera ghi lại, một thanh niên đi xe máy di chuyển với tốc độ cao và lạng lách, đánh võng, rượt đuổi với 1 xe khác, sau đó va chạm với một xe ô tô và một xe máy đi ngược chiều. Vụ tai nạn làm thanh niên trên và một phụ nữ đi xe máy đúng phần đường bị thương nặng, khiến nhiều phương tiện hư hỏng.

Anh Phùng Minh Nghĩa, lái xe Công ty CP Di chuyển xanh và thông minh GSM, Chi nhánh Thái Nguyên: Khi chạy xe trên cao tốc, tôi vẫn thường bắt gặp những trường hợp vi phạm rất nguy hiểm như: Đi bộ cắt ngang đường, dừng đỗ xe bắt khách, trả khách, xe chạy ngược chiều… có thể dẫn đến tai nạn nghiêm trọng. Tôi mong những trường hợp như vậy phải bị xử phạt thích đáng.
Anh Phùng Minh Nghĩa, lái xe Công ty CP Di chuyển xanh và thông minh GSM, Chi nhánh Thái Nguyên: Khi chạy xe trên cao tốc, tôi vẫn thường bắt gặp những trường hợp vi phạm rất nguy hiểm như: Đi bộ cắt ngang đường, dừng đỗ xe bắt khách, trả khách, xe chạy ngược chiều… có thể dẫn đến tai nạn nghiêm trọng. Tôi mong những trường hợp như vậy phải bị xử phạt thích đáng.

Hay như lâu nay, một trong những hành vi khiến nhiều người bức xúc và bị cộng đồng xã hội phản ánh mạnh mẽ là việc dừng, đỗ xe tùy tiện. Điều này có thể thấy rõ nhất ở trước cổng một số trường học trên địa bàn TP. Thái Nguyên, như: Tiểu học Đội Cấn, Tiểu học và THCS Trưng Vương, Tiểu học Nguyễn Viết Xuân…

Vào giờ đưa đón học sinh, nhiều phụ huynh vô tư dừng, đỗ ngay trước cổng trường, chắn ngang đường, chen lấn, thậm chí quay đầu xe, mặc cho những phương tiện khác ùn ứ phía sau. Anh Nguyễn Văn Thắng, phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Đội Cấn (TP. Thái Nguyên), nói: Một số phụ huynh dừng, đỗ, quay đầu xe ô tô tùy tiện ngay trước cổng trường, ảnh hưởng đến nhiều người, nhưng khi được nhắc nhở, một số còn tỏ thái độ bực bội, thách thức. 

Tình trạng dừng đỗ xe thiếu ý thức như chắn ngay đầu ngõ; dừng xe giữa đường để nghe điện thoại; đỗ xe trước cửa nhà, chắn ngang quầy bán hàng của người khác trong thời gian dài mà không để số điện thoại… là điều không hiếm gặp. Đã không ít trường hợp chủ nhân của những chiếc xe ấy đã phải nhận "bài học", nhẹ thì bị cài giấy nhắc nhở, mắng mỏ, nặng thì lốp xe bị xì hơi, thậm chí bị xô xát do mâu thuẫn khi dừng, đỗ xe…

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải: Để đảm bảo an toàn giao thông, Ngành sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; tập trung huy động các nguồn lực xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước, như: Xây dựng cơ sở dữ liệu về giao thông; triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát; sử dụng phần mềm quản lý xe cơ giới, quản lý giấy phép lái xe… 
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải: Để đảm bảo an toàn giao thông, Ngành sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; tập trung huy động các nguồn lực xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, như: Xây dựng cơ sở dữ liệu về giao thông; triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát; sử dụng phần mềm quản lý xe cơ giới, quản lý giấy phép lái xe… 

Một hành vi thiếu văn hóa khác khi tham gia giao thông là tại một số vị trí có biển "Đèn đỏ được phép rẽ phải" như nút giao chợ Thái, đường Minh Cầu... nhưng nhiều người trong làn rẽ phải chật vật khi di chuyển, thậm chí "đứng yên" không nhúc nhích khi bị chặn bởi các xe dừng đỗ đèn đỏ không tuân thủ quy định phần đường. 

Ngoài ra, một trong những cách ứng xử trong tham gia giao thông khiến nhiều người lo ngại là thái độ không hợp tác, hành xử thiếu văn minh khi xảy ra va chạm. Thực tế, đã có trường hợp người điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn cho người khác, sau đó bỏ chạy nhằm trốn tránh trách nhiệm, không quan tâm đến tình trạng nạn nhân.

Lại có trường hợp sau khi va chạm xảy ra, chưa biết đúng sai như thế nào đã hùng hổ mắng chửi, đe dọa, sẵn sàng dùng vũ lực mà không chờ cơ quan chức năng giải quyết. Cá biệt có trường hợp còn gọi người quen, "băng nhóm" đến để "dằn mặt" đối phương. 

Tình huống va chạm giao thông do thiếu quan sát, không giảm tốc độ khi lái xe qua điểm giao cắt trên đường Lương Ngọc Quyến (TP. Thái Nguyên).
Tình huống va chạm giao thông do thiếu quan sát, không giảm tốc độ khi lái xe qua điểm giao cắt trên đường Lương Ngọc Quyến (TP. Thái Nguyên).

Nói về chuyện va chạm giao thông, chị Nguyễn Thị H., ở phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên), kể: Khi tôi đang điều khiển ô tô trên đường thì có một chiếc xe máy phóng ra từ ngõ, đâm va vào cạnh xe tôi. Vụ va chạm khiến người thanh niên bị thương. Khi tôi còn đang bàng hoàng, chưa biết xử trí ra sao thì người nhà của thanh niên này đã chạy đến, mắng tôi với những lời khiếm nhã, khẳng định cái sai thuộc về tôi. Khi Công an đến hiện trường, tiếp nhận giải quyết vụ việc thì họ mới bớt “hung hăng”.

Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, thời gian qua, các ngành, các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, cũng như xây dựng văn hoá giao thông trong cộng đồng. Qua đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của đại đa số người dân đã được nâng lên đáng kể.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ít người chưa có ý thức tự giác, còn vi phạm. Qua phân tích, không phải họ không hiểu những quy tắc, quy định mà do thói quen tùy tiện, ý thức tự giác chấp hành pháp luật chưa tốt nên mặc nhiên vi phạm. Khi có mặt lực lượng chức năng thì họ chấp hành tốt, nhưng khi không có thì sẵn sàng vi phạm. Điều này vừa làm mất đi hình ảnh đẹp về ý thức văn hóa chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, vừa dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho chính người vi phạm và những người tham gia giao thông khác.

Thượng tá Nguyễn Văn Toản, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh: Để có văn hóa giao thông đẹp thì mọi người phải am hiểu pháp luật về giao thông. Muốn vậy, trước hết cần quan tâm tuyên truyền, giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. 
Thượng tá Nguyễn Văn Toản, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh: Để có văn hóa giao thông đẹp thì mọi người phải am hiểu pháp luật về giao thông. Muốn vậy, trước hết cần quan tâm tuyên truyền, giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. 

Có thể nói, văn hóa tham gia giao thông ngày này trở nên quan trọng. Văn hóa nơi công cộng rất cần sự chung tay, nghiêm chỉnh chấp hành, cùng nhau tạo ra những nét ứng xử phù hợp. Về nguyên tắc, mọi người khi tham gia giao thông đều biết những hành vi nào là sai, thiếu chuẩn mực. Bởi trước khi được phép điều khiển phương tiện ra đường họ đều đã được đào tạo, sát hạch, thi, cấp giấy phép… Vậy nhưng, từ biết đến tuân thủ, chấp hành vẫn còn một khoảng cách. Bởi vậy, việc hình thành thói quen, ý thức tuân thủ pháp luật, quy tắc giao thông, hình thành nét văn hóa giao thông đẹp ngoài các yếu tố tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, kiểm tra - sát hạch… thì quan trọng nhất vẫn là nhận thức, ý thức và thái độ của mỗi người.