Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, có 30 khu vực có thể phát sinh động đất. Mức chấn động mạnh nhất lên tới 6,8 độ Richter, đủ để đánh sập nhà cửa.
Theo thống kê, từ Bắc chí Nam Việt Nam có tất cả 30 khu vực có thể phát sinh động đất. Mức chấn động nằm trong khoảng 5,5 - 6,8 độ Richter (đủ để nhà cửa bị hư hại cho tới phá hủy). Trong đó hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM cũng nằm trong hoặc cận các khu vực này.
Theo giáo sư Cao Đình Triều, Viện Vật lý địa cầu, Việt Nam nằm trong khu vực có hoạt động địa chất và đứt gãy mạnh. Động đất ở nước ta thỉnh thoảng mới xuất hiện nhưng với cường độ mạnh như ở Điện Biên năm 1935 (6,7 độ Richter), Tuần Giáo - Lai Châu năm 1983 (6,8 độ Richter)...
"Động đất ở Việt Nam tuy ít xảy ra nhưng diễn biến khá phức tạp. Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng - sông Chảy và cận các vùng khác như sông Lô, Đông Triều, Sơn La nên nguy cơ xảy ra là không loại trừ", giáo sư Triều nói.
Đối với TP HCM, tuy không nằm trên vùng đứt gãy nào nên rủi ro địa chấn lớn nhất có khả năng phát sinh từ sự lan truyền chấn động từ các trận động đất mạnh ở phạm vi khu vực và sự khuếch đại rung động nền do các hiệu ứng nền địa phương gây ra dưới tải trọng của động đất. Nền đất yếu tại thành phố này là yếu tố góp phần không nhỏ vào sự khuếch đại rung động địa chấn.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, điều đáng lo ngại nhất là việc không áp dụng tiêu chuẩn kháng chấn đối với các công trình xây dựng, đặc biệt tại các thành phố lớn.
"Tuyệt đại đa số các công trình xây dựng ở nước ta đều chưa áp dụng tiêu chuẩn này. Chỉ sau khi Hà Nội và TP HCM chịu một số dư chấn mạnh những năm gần đây, mọi người mới bắt đầu nghĩ đến", ông Phương nói.
Với công trình nghiên cứu đánh giá rủi ro động đất các thành phố lớn trong 7 năm qua, ông Phương cho rằng, tại Hà Nội, nếu xảy ra động đất với cường độ cực đại theo tính toán (6,7 độ Richter), 30% nhà cửa sẽ bị phá hủy. Thiệt hại về người không thể lường trước được.
"Chịu tác động nặng nhất là khu phố cổ và những khu chung cư cũ, bệnh viện, trường học... không áp dụng tiêu chuẩn kháng chấn", ông Phương khẳng định.
Cũng theo ông Phương, trước năm 2006, Việt Nam không có quy chuẩn thiết kế công trình trong vùng động đất (thiết kế kháng chấn). Tuy nhiên, hiện việc thực thi quy chuẩn này cũng không phải là điều bắt buộc đối với các công trình xây dựng.