Trái đất đang ngày càng nóng lên do lượng khí gây hiệu ứng nhà kính thải vào khí quyển ngày nhiều, cộng với khả năng phản xạ tự nhiên của Trái đất ngày càng kém đi do băng bị tan chảy ở Bắc cực. Để đối phó với sự ấm lên toàn cầu này, các nhà khoa học đã đưa ra một số giải pháp dựa trên những tiến bộ khoa học hiện nay.
1. Cây nhân tạo có thể giúp hấp thụ khí CO2 nhanh gấp 1.000 lần so với cây tự nhiên. Được phát triển bởi các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Columbia (Mỹ), cây nhân tạo có khả năng hút khí CO2 như cây thật, sau đó khí CO2 sẽ được đưa vào một bình chứa. Theo các nhà nghiên cứu, một cây nhân tạo có thể hấp thụ khoảng 1 tấn CO2/ngày, tương đương với lượng khí của 20 chiếc xe hơi thải ra. Tuy nhiên, chi phí để sản xuất một cây nhân tạo như thế này còn khá đắt, vào khoảng 15.000 bảng.
2. Phun vào không khí những hạt phân tử nhỏ có khả năng phản xạ ánh sáng mặt trời. Giải pháp khả thi nhất là phun các phân tử khí sulphat vào tầng trên của bầu khí quyển để phản xạ lại ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề axit hóa các đại dương gây ra do lượng khí CO2 thải vào khí quyển quá nhiều, thì rất có thể giải pháp phun khí sulphat sẽ tạo ra những ảnh hưởng không mong muốn như mưa axit.
3. Mây nhân tạo. Tạo ra những đám mây ở tầng thấp trên các đại dương hay tăng khả năng phản xạ ánh sáng mặt trời cho Trái đất bằng cách bơm hơi nước vào trong không khí nhằm thúc đẩy quá trình tạo mây trên biển. Quá trình diễn ra nhờ những con thuyền được điều khiển bằng vi tính làm việc chăm chỉ ở các vùng biển xa xôi, phun làn sương nước biển vào không khí, từ đó hình thành những đám mây trắng dày giúp phản chiếu ánh mặt trời vào không gian.
4. Hòa trộn nước biển bằng cách sử dụng các đường ống lớn được đặt ở các đại dương để luân chuyển nước trên bề mặt có nhiều CO2 xuống tầng nước sâu hơn. Ý tưởng này của các nhà khoa học người Anh là nhằm cắt giảm lượng khí CO2 trên mặt nước bốc hơi vào khí quyển, làm tăng nhiệt độ Trái đất.
5. Gương vũ trụ. Thay vì cố gắng chặn đứng tia sáng mặt trời ở bầu khí quyển, chúng ta còn có thể ngăn chặn từ bên ngoài vũ trụ. Một vài nhà khoa học nói rằng một tấm gương lớn hay những chiếc đĩa phản chiếu sẽ bay quanh quỹ đạo Trái đất và chặn đứng những tia sáng mặt trời.
Hiệp hội Khoa học Hoàng gia cho rằng phương pháp này khá an toàn và hầu như không có tác dụng phụ nào. Mặc dù vậy, nó tiêu tốn vài ngàn tỉ đô và phải cần hàng chục năm để thiết kế, xây dựng và đưa những tấm gương vào vũ trụ; nó còn đòi hòi một chương trình vũ trụ có quy mô lớn gấp nhiều lần từ trước đến nay.
6. “Hệ thần kinh” cho Trái đất. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) và tập đoàn công nghệ Cisco đã hợp tác phát triển hệ thống Planetary Skin – được ví như “hệ thần kinh” toàn cầu – có khả năng hợp nhất dữ liệu từ các bộ cảm biến theo dõi điều kiện thực tế trên cạn, dưới biển, trên không trung và không gian, qua đó giúp các ngành quyết định về giải pháp phòng ngừa cũng như đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Dự án thí điểm, sắp triển khai vào năm 2010, sẽ giúp theo dõi lượng khí carbon đang tích trữ trong các khu rừng nhiệt đới cũng như xác định vị trí những khu rừng đó.
7. “Kính chống nắng” cho Trái đất. Roger Angel, nhà thiên văn học thuộc Trường Đại học Arizona (Mỹ) đưa ra ý tưởng sử dụng các tàu vũ trụ chạy bằng điện từ trường để bắn hàng tỷ các tinh thể silicon cực nhỏ vào không gian để phản xạ các tia bức xạ của mặt trời. Trước đây, họ đã thử nghiệm với một khoảng che phủ rộng gần 170.000km2 và kết quả cho thấy có thể giảm được 2% tia bức xạ từ mặt trời.
8. Sử dụng các bộ lọc khí CO2. Các bộ lọc khí khổng lồ sẽ được lắp đặt tại các nhà máy thải ra khí CO2, sau đó thiết bị lọc khí này sẽ chuyển khí CO2 thành soda. Các bộ lọc khí bằng nhựa đang được thử nhiệm tại các nhà máy ở Texas cho thấy thiết bị này có thể hấp thụ được 90% khí CO2 thoát ra và sau đó được chuyển thành một loại muối natri trung hòa được.
9. Gương phản xạ ánh sáng mặt trời trên sa mạc.Trái đất có thể tự phản xạ được khoảng 30% ánh sáng mặt trời, thậm chí những vùng được bao phủ bởi tuyết hay băng có thể phản xạ được tới 90%. Tuy nhiên, băng trên Trái đất đang tan chảy với tốc độ rất nhanh khiến khả năng phản xạ ánh sáng mặt trời của Trái đất bị yếu đi đáng kể. Để đối phó với vấn đề này, các nhà khoa học cho rằng chúng ta nên sử dụng những tấm gương khổng lồ đặt ở sa mạc
10. Sản xuất điện từ sóng. Những đường ống có độ dài 200m và đường kính 5,5m có thể biến những con sóng trên biển thành năng lượng điện. Theo tính toán, nếu sóng có độ cao 1 mét, ở độ dài khoảng 1,8km bờ biển thì có thể tạo ra được một nguồn năng lượng bằng 35.000 mã lực; khi sóng cao 3 mét thì có thể tạo ra áp lực khoảng 29 tấn/m2 mặt biển.