Loài khủng long đầu tiên trên trái đất có thể chỉ lớn bằng giống chó săn Labrador, với phần cổ và đuôi rất dài.
Các nhà nghiên cứu đã đi đến phán đoán trên sau khi phân tích xương hóa thạch tìm thấy tại Tanzania từ thập niên 30, trang LiveScience cho biết. Loài khủng long này được đặt tên khoa học là Nyasasaurus parringtoni, sống cách đây từ 240-250 triệu năm khi các lục địa của hành tinh vẫn còn dính với nhau để tạo thành bình nguyên khổng lồ Pangaea (bao gồm châu Phi, Nam Phi, Úc và Nam cực). Khu vực Tanzania có thể là cực nam của bình nguyên này.
Cũng theo phán đoán của nhóm nghiên cứu, N.Parringtoni có thể đứng thẳng, dài từ 2-3m, vùng hông rộng khoảng 1m và nặng từ 20-60 kg.
“Nếu như N.Parringtoni không phải là loài khủng long cổ xưa nhất thì nó cũng là họ hàng gần nhất với khủng long từng được tìm thấy”, nhà sinh học Sterling Nesbitt thuộc Đại học Washington bình luận.
Phát hiện này cũng đưa loài khủng long xuất hiện sớm hơn 10-15 triệu năm so với các giả thiết trước đây, tức là vào thời Trung Triassic, kéo dài từ 245-228 triệu năm trước. Các nhà nghiên cứu đã phân tích hóa thạch xương khuỷu tay và sáu đốt xương sống hóa thạch tìm thấy, dự đoán tuổi của chúng dựa trên các lớp đá hóa thạch.
Nếu các tính toán là chính xác thì cuối cùng, khoa học cũng đã có thể chứng minh một giả thiết đã tồn tại suốt 150 năm qua, rằng khủng long có thể tồn tại từ thời Trung Triassic, do hóa thạch khủng long cổ nhất tìm thấy trước đây có niên đại từ thời cuối Triassic. Những bằng chứng hậu thuẫn cho giả thiết này rất ít ỏi, vì vậy nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi, thiếu chắc chắn về niên đại đó. “Đây chính là bằng chứng tốt nhất mà chúng ta từng có về khủng long thời Trung Triassic”, ông Nesbitt khẳng định.
Việc khủng long đầu tiên có kích cỡ nhỏ bé cũng giúp chúng ta hiểu thêm về sự ra đời của loài động vật tiền sử này. Chúng không sở hữu hình thể khổng lồ ngay từ đầu mà là một nhánh độc đáo, tiến hóa theo thời gian và vươn dần lên địa vị thống trị đất liền, Nesbitt phân tích.